Dân mạng Trung Quốc kêu gọi tẩy chay Apple, ủng hộ Huawei
Như vậy, sau ZTE, Huawei là công ty tiếp theo của Trung Quốc bị Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen do cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia. Động thái này của phía Washington đã cắt giảm tối đa nguồn cung ứng linh kiện điện tử, con chíp cho Huawei, đồng thời mang ý nghĩa như đòn cảnh cáo nhằm dập tắt tham vọng siêu cường công nghệ của Trung Quốc.
Ngay sau lệnh hạn chế thương mại của chính phủ, nhiều đối tác quan trọng của Huawei trong đó có Alphabet (công ty mẹ của Google), Qualcomm, Intel… đã buộc phải đình chỉ hoạt động cung ứng, hợp tác với Huawei. Mặc cho lệnh nới lỏng hạn chế thương mại có hiệu lực 90 ngày được ban hành sau đó, dư luận Trung Quốc vẫn tỏ ra phẫn nộ và hoàn toàn đứng về Huawei như biểu hiện của làn sóng chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ. Một hashtag trên mạng xã hội Weibo (MXH lớn nhất Trung Quốc) và Twitter với nội dung “chip Huawei không cần dựa vào nguồn cung từ Mỹ” đã thu hút tới 50 triệu lượt quan tâm.
Rất nhiều người dùng Trung Quốc cho hay họ đang quan tâm tới các sản phẩm smartphone Huawei hơn là Apple. “Tôi đã mua một chiếc smartphone Huawei, và tôi sẽ mua thêm một sản phẩm của thương hiệu này thay cho chiếc Apple Watch đang sử dụng” - Một người dùng đăng trên Weibo.
“Tôi sẽ chuyển từ iPhone sang dùng Huawei để thể hiện tinh thần dân tộc bằng hành động”. “Chúng tôi sẽ ‘chặn đứng’ Apple như cái cách chính phủ Mỹ gây áp lực lên Huawei”. Đó là những bình luận tràn ngập các trang MXH Trung Quốc hiện nay.
Huawei đang giành được lợi thế lớn nhờ sự ủng hộ của dư luận trong nước
Năm ngoái, doanh thu từ thị trường Trung Quốc chiếm tới 17% doanh thu thuần của Apple. Nhưng tới quý I/2019, doanh thu thuần từ thị trường Trung Quốc đã giảm hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái, một con số không hề lạc quan. Nguyên nhân được cho là Apple phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các thương hiệu nội địa như Huawei và XiaoMi. Nhà Táo phải vật lộn với các chiến lược giá để phù hợp với thị trường đại lục, nơi Huawei và XiaoMi chiếm lợi thế đặc biệt về giá thành.
Cùng với những căng thẳng sau xung đột thương mại Mỹ Trung hiện nay, có thể nói, Apple đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng trên thị trường Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ không mất quá nhiều thời gian để thổi bùng làn sóng chủ nghĩa dân tộc và “hất cẳng Apple” khỏi thị trường nếu họ muốn” - ông David David Riedel, chủ tịch Tập đoàn nghiên cứu Riedel trả lời CNBC. “Thực tế là Apple lọt vào một danh sách đen ngầm trên mạng xã hội Trung Quốc. Dư luận nước này tin rằng Huawei hoàn toàn có thể thay thế Apple trong cung ứng các dòng smartphone và thiết bị thông minh khác.”
Trong khi Huawei hợp tác với nhiều công ty con chip, linh kiện bán dẫn của Mỹ thì Apple cũng phụ thuộc vào nhiều nhà cung cấp Trung Quốc. Sẽ là rủi ro lớn cho Apple nếu xung đột thương mại kéo dài gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Nicole Peng, Phó giám đốc Canalys chỉ ra rằng đây không phải lần đầu tiên Apple bị “tẩy chay” tại thị trường đông dân nhất thế giới, nhưng đây có lẽ là lần khó khăn nhất.
Điều thú vị là khi dư luận Trung Quốc “quay lưng” với Apple để ủng hộ Huawei, Giám đốc điều hành Huawei - ông Nhậm Chính Phi vẫn dành những lời có cánh để ca ngợi Táo khuyết. Trả lời phỏng vấn hồi tháng 4, ông Nhậm Chính Phi cho hay: “Trong thời điểm nhạy cảm này, tôi vẫn bày tỏ sự biết ơn với các đối tác Mỹ (trong đó có Apple) vì những đóng góp lớn lao cho sự phát triển của Huawei”.