Đề xuất tính giá thuê đất hàng năm theo bảng giá đất của địa phương

29/08/2023 11:28 GMT+7
Theo đề xuất của Bộ Tài chính trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), giá đất cho thuê hàng năm của Nhà nước sẽ được xác định dựa trên bảng giá đất thực tế của địa phương ban hành.
Sẽ tính giá tiền thuê đất hàng năm theo bảng giá đất của địa phương - Ảnh 1.

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định tính giá tiền thuê đất hàng năm dựa trên bảng giá đất thay vì khung giá đất 5 năm điều chỉnh một lần như trước kia (Ảnh: MPI).

Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài chính cho biết đang đưa một số nội dung mới về tiền thuê đất như: mở rộng hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, thu hẹp hình thức Nhà nước giao đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.

Cùng với đó, giá đất tính thu tiền thuê đất trả hàng năm được xác định chủ yếu theo giá đất trên Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành và công bố hàng năm; bỏ quy định về khung giá đất…

Trước đó, mức giá đất cho thuê hàng năm của Nhà nước dựa trên khung giá đất 5 năm/ lần điều chỉnh hoặc theo hợp đồng. Tuy nhiên, quy định này sẽ khiến cho nhiều khu đất vàng của Nhà nước bị cho thuê với giá rẻ hoặc thất thoát do chênh lệch giữa giá đất Nhà nước cho thuê và giá đất cho thuê ngoài thị trường ở mức khá cao, điều này khiến bất hợp lý.

Theo Bộ Tài chính, đất đai ở nước ta thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Với vai trò là đại diện chủ sở hữu về đất đai, Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào các mục đích nhất định, thông qua nhiều hình thức khác nhau như: giao đất không thu tiền, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất…

Đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất, người sử dụng đất phải nộp tiền thuê đất cho Nhà nước. Việc nộp tiền thuê đất cho Nhà nước thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với Nhà nước.

Đồng thời, đây cũng là biện pháp để Nhà nước kiểm soát việc sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả vì đây là nguồn lực công, thuộc quyền sở hữu toàn dân, do đó, ai được trao quyền cụ thể thì phải có nghĩa vụ tương ứng…

Trước đó, trong tháng 6/2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Chính phủ xây dựng Theo đó, vấn đề được chú ý là giá đất, phương pháp định giá đất và bảng giá đất xây dựng bao nhiêu năm (hàng năm, định kỳ 3- 5 năm hay lâu hơn sẽ hợp lý).

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, sau khi nghiêm cứu Uỷ ban Kinh tế Quốc hội "cơ bản nhất trí việc xây dựng bảng giá đất hằng năm bảo đảm sự cập nhật kịp thời với biến động giá đất trên thị trường".

Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Bộ TN&MT, Chính phủ nghiên cứu để có lộ trình thích hợp và có phương án quy định linh hoạt hơn trong trường hợp đến thời hạn ngày 01/01/2026 vẫn chưa hoàn thành được việc xây dựng Bảng giá đất hằng năm, nhất là đối với các địa phương có điều kiện khó khăn, không có nhiều dữ liệu để xây dựng bảng giá đất.

Quy trình điều chỉnh, sửa đổi cần quy định phù hợp để bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu quy định rõ về nội hàm của việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí để phân biệt với giá đất cụ thể và cách xác định "vùng giá trị", "thửa đất chuẩn"; nghiên cứu bổ sung quy định về Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất" đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Kinh tế cho biết hiện một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định hằng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, trong mỗi năm áp dụng bảng giá và hệ số điều chỉnh, đối với các khu vực có biến động 20% trở lên thì điều chỉnh hệ số điều chỉnh.

An Linh
Cùng chuyên mục