Dịch Covid-19 càn quét, Mỹ nguy cơ mất 1 triệu việc làm

17/03/2020 11:01 GMT+7
Thị trường lao động Mỹ có nguy cơ mất 1 triệu việc làm vào tháng 3 do những tác động nghiêm trọng từ đại dịch virus corona (Covid-19), theo cảnh báo của cựu chuyên gia kinh tế chính quyền Trump - ông Kevin Hassett.

Thị trường lao động Mỹ có nguy cơ mất 1 triệu việc làm

“Chúng ta đang chứng kiến sự sụt giảm tiêu cực nhất trên thị trường lao động từ trước đến nay” - ông Kevin Hassett cho hay. “Các hãng hàng không đang hủy hàng ngàn chuyến bay. Du lịch biển đình trệ. Nike, Apple và rất nhiều nhà bán lẻ khổng lồ đang bắt đầu đóng cửa các cửa hàng trên toàn nước Mỹ và cả Châu Âu. Các sòng bạc Las Vegas không còn sáng đèn. Hàng triệu người Mỹ đang làm việc tại nhà. Một số tiểu bang thậm chí buộc đóng cửa các nhà hàng, quán bar trong nỗ lực kiểm soát đại dịch”.

“Rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu gần như lên đến 100% ngay lúc này” - Hassett cho hay.

Mỹ có nguy cơ mất 1 triệu việc làm, bước vào suy thoái khi dịch Covid-19 càn quét nền kinh tế - Ảnh 1.

Kinh tế Mỹ lao đao khi dịch virus corona lan rộng ra toàn cầu, gây những hệ lụy nặng nề

Trước mắt, các doanh nghiệp có thể bị trì trệ bởi các nỗ lực kiểm dịch từ chính phủ, đặc biệt là ngành du lịch. Các thông báo tuyển dụng sẽ bị đóng băng, làm ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng việc làm trong tháng 3. 

“Chẳng doanh nghiệp nào thuê thêm lao động vào tuần tới” - Hassett nói thêm. “Hàng triệu việc làm sẽ bị mất trong một tháng, vượt xa cả hồi Đại suy thoái 2008”. Trước đó, nền kinh tế Mỹ từng chứng kiến mức giảm tăng trưởng việc làm sâu nhất hồi tháng 3/2009, khi số việc làm trong biên chế giảm mạnh 800.000. Thời điểm tồi tệ nhất với thị trường lao động Mỹ là tháng 9/1945, khi nền kinh tế mất đi 1,96 triệu việc làm sau cuộc Thế chiến II.

Russell Price, nhà kinh tế trưởng tại Ameripawn thì lạc quan hơn. Ông cho rằng việc tuyển dụng sẽ bị trì trệ, nhưng con số không lên tới 1 triệu việc làm. “Thị trường lao động Mỹ đã rất mạnh mẽ khi bước vào cuộc khủng hoảng virus corona. Tăng trưởng việc làm trong nền kinh tế đạt gần 300.000 trong tháng Hai. Điều đó có thể hạn chế những thiệt hại trong các tháng tiếp theo… Các công ty sẽ thận trọng trong việc cắt giảm nhân sự nếu họ đánh giá khủng hoảng virus corona là một hiện tượng ngắn hạn”. 

Tăng trưởng GDP giảm 5%

Các nhà kinh tế đều có chung nhận định rằng cú sốc đại dịch virus corona sẽ khiến nền kinh tế giảm tốc trong quý II. Câu hỏi đặt ra là mức giảm tốc tiêu cực ra sao, và kéo dài trong bao lâu.

Gary Cohn, một cựu quan chức kinh tế của chính quyền Trump, trả lời phỏng vấn tờ CNN tuần trước rằng nền kinh tế Mỹ đã trong tình trạng suy thoái.

Cựu cố vấn kinh tế Kevin Hassett cũng dự đoán một kịch bản tồi tệ cho nền kinh tế Mỹ, khi tăng trưởng GDP giảm mạnh 5% vào quý II. “Việc nền kinh tế có tiếp tục thu hẹp trong quý III hay không phụ thuộc vào tốc độ kiểm soát dịch virus corona của các cơ quan y tế” - ông Hasset nói thêm.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hôm 15/3 đã cắt giảm lãi suất cơ bản 1%, đưa lãi suất xuống mức mục tiêu 0-0,25% trong một động thái khẩn cấp xoa dịu nền kinh tế trước tác động của đại dịch. FED cũng đồng thời tung gói nới lỏng định lượng 700 tỷ USD và cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng về 0 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ tiếp cận nguồn tín dụng.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm sâu hơn do các nhà đầu tư lo sợ phản ứng của FED để cứu vãn nền kinh tế trước kỳ suy thoái hơn là kích thích nền kinh tế hồi phục trở lại.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục