Dịch Covid-19: Có nên thu tiền người bị cách ly?
Những ngày qua, lượng người Việt Nam ở nước ngoài trở về ngày càng nhiều. Theo thống kê, mỗi ngày sân bay Nội Bài đón từ 2.000-2.600 hành khách từ các chuyến bay quốc tế về Việt Nam.
Theo quy định, tất cả các công dân nào từ nước ngoài về nước đều phải cách ly 14 ngày. Thực trạng này đặt gánh nặng lớn cho ngân sách Nhà nước. b mm
Theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 cũng như quy định tại Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29/02/2012 của Bộ Tài chính, khi công dân Việt Nam bị cách ly y tế, thuộc trường hợp phải cách ly cũng như những công dân bị nhiễm bệnh truyền nhiễm loại A (như Covid-19), thì pháp luật Việt Nam quy định sẽ được miễn chi phí đi lại, chi phí thăm khám, chi phí xét nghiệm, chi phí thuốc, vật tư y tế, chi phí khám chữa bệnh.
Đối với khoản tiền ăn hàng ngày của người bị cách ly, hoặc người đang được điều trị thì người được điều trị và người bị cách ly sẽ phải chi trả. Khẩu phần ăn được cung cấp theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế.
Một số địa phương như Nghệ An, Hải Phòng, Bắc Giang… đang bao cấp cho toàn bộ người thuộc diện cách ly. Trong khi đó, tại Hà Nội tất cả các trường hợp bị cách ly đều được hỗ trợ 100.000 đồng/ngày.
Vệc bao cấp như vậy rõ ràng cũng là áp lực rất lớn đối với ngân sách. Tại Hà Nội, đã ghi nhận 29 trường hợp dương tính với Covid-19. Các trường hợp đang được cách ly tại 9 khu cách ly tập trung là gần 3.000 người. Thành phố Hà Nội cũng vừa quyết định thành lập thêm 2 khu cách ly tập trung là Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (2.000 chỗ) và Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội với 800 chỗ.
Câu hỏi đặt ra là, trong thời gian tới khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, lượng người đổ về nước ngày càng nhiều thì có nên tiếp tục bao cấp chi phí ăn ở?
Trao đổi với PV Etime, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nếu tiếp tục bao cấp hoàn toàn như hiện nay, trong khi số người bị cách ly đang tăng theo cấp số nhân thì ngân sách có nguy cơ bị "vỡ trận".
"Tính toán đơn giản cũng có thể ra một con số khổng lồ cho ngân sách. Ví dụ như ở Hà Nội hiện đang chi cho mỗi người 100.000 đồng/ngày, 2.000 người là 200 triệu đồng, 10.000 người là 2 tỷ đồng. Cách ly 14 ngày, thậm chí Hà Nội áp dụng cao hơn một bậc so với quy định, là đối với ổ dịch thay vì khoanh vùng cách ly 21 ngày nâng lên 28 ngày. Vậy mỗi ngày ngân sách Hà Nội phải chi lên tới hàng chục tỷ đồng. Nếu số người tăng lên hàng chục, hàng trăm nghìn thì ngân sách có gánh được không?", ông Long nói.
Theo ông Long, để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước thì với những người có điều kiện thì nên để họ chi trả tiền ăn trong quá trình cách ly. Nhà nước dành tiền chi trả cho những người khó khăn hơn hoặc dùng vào việc mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, phục vụ lại việc phòng, chống dịch bệnh. Việc làm này vừa thể hiện trách nhiệm cũng thể hiện nghĩa vụ của công dân đối với cộng đồng và xã hội.
"Rất nhiều người ở nước ngoài về họ đều mong muốn chia sẻ gánh nặng với nhà nước. Họ sẵn sàng chi trả để có dịch vụ tốt hơn và chúng ta có thể đáp ứng và thu tiền của họ. Miễn sao chúng ta phải đưa ra được giải pháp và bảo đảm an toàn cũng như tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch và cách ly y tế bắt buộc", ông Long nói.
Cùng ý kiến này, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, hiện Chính phủ đã kêu gọi người dân quyên góp, ủng hộ quỹ chống dịch để chi trả cho các khoản tiền phát sinh này và tăng nguồn ngân sách chống dịch bệnh.
Theo đó, bên cạnh việc huy động lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân trong việc bổ sung ngân sách vào quỹ chống dịch bệnh, chúng ta cần tính toán đến câu chuyện áp dụng các quy định của pháp luật về việc chi trả tiền ăn trong quá trình cách ly và điều trị bệnh. Trừ trường hợp với người nghèo thì sẽ được miễn phí tiền ăn theo quy định của pháp luật, mỗi ngày sẽ được trợ cấp 40.000 đồng để chi trả tiền ăn.
Còn đối với các công dân khác, đặc biệt là Việt kiều từ nước ngoài thì hoàn toàn có thể chi trả tiền ăn hằng ngày, bình thường không bị bệnh thì ai cũng phải chi phí cho khoản tiền ăn này. Bởi vậy, không lý do gì nhà nước cứ mãi phải chi trả một khoản tiền mà pháp luật không quy định.
Hơn nữa, hiện tình trạng dịch bệnh xảy ra trên thế giới đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, bởi vậy trong thời gian tới khả năng Việt kiều trở về nước sẽ ngày càng nhiều, ngoài ra còn khách nước ngoài cũng như người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại các khu vực khác trên thế giới cũng sẽ tiếp tục về Việt Nam...
Theo đó, chi phí ngân sách dùng cho chi trả, thanh toán cho người bị cách ly, người bị điều trị ngày càng lớn, bởi vậy đã đến lúc chúng ta cần phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh trong đó có việc yêu cầu những người bị cách ly phải chi trả tiền ăn hằng ngày.