Dịch Covid-19 ở Gia Lai: Giá hoa, quả liên tục tăng, người dân nườm nượp đi mua về chưng tết
Hoa, quả cúng tết hút hàng mùa dịch
Dịch Covid-19 ở Gia Lai hiện đang diễn biến khá phức tạp, khi số ca dương tính đã tăng lên 22 ca. Tuy nhiên, để có một cái tết đầy đủ, no ấm người dân đã phòng bị cẩn thận ra đường sắm sửa đầy đủ các loại quả chưng tết kèm những bó hoa rực rỡ.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử Dân Việt, các tuyến đường gần chợ lớn Hai Bà Trưng như Lê Lai, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú (TP.Pleiku) từng đoàn người chen chúc nhau đi sắm tết. Hai mặt hàng đắt khách nhất chính là hoa, quả cúng tết. Từ những sạp quả trong chợ đến những sạp hoa bán ở lề đường vẫn đắt khách, giá hoa, quả cũng vì thế tăng mạnh.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thanh (30 tuổi, trú tại TP.Pleiku) cho hay: "Năm nay giá hoa, quả cũng bình thường, tuy nhiên những ngày cận tết lại tăng khá nhanh. Vì lấy ở các nhà vườn cao nên chúng tôi cũng phải bán cao mới thu về đủ vốn và kiếm ít lời. Những loại quả tăng cao dịp tết chủ yếu là đu đủ, sung, mãng cầu, dừa…Bên cạnh đó, hoa cúng tết cũng liên tục tăng từ 20.000 - 70.000 đồng/bó. Đối với cúc lưới, cúc vạn thọ sẽ giao động khoảng 40.000 -50.000 đồng/bó, còn lay ơn và hoa ly đắt hơn từ 70.000 – 100.000 đồng/bó. Những ngày trước chợ còn vắng vẻ nhưng từ hôm qua tới nay, lượt khách qua lại chợ rất đông".
Được biết, trước đó chỉ mấy ngày nông dân trồng hoa lay ơn tại cánh đồng hoa xã An Phú (TP.Pleiku) còn rầu rỉ cắt hoa đổ cho bò ăn vì giá rẻ. Tuy nhiên, những ngày cận tết, giá hoa lay ơn liên tục tăng mạnh khiến nhiều hộ dân tiếc rẻ vì lúc còn thì không được giá khi hết rồi giá lại tăng cao. Không riêng gì hoa lay ơn mà các loại hoa cúc và hoa ly cũng liên tục tăng giá từ 20.000 – 30.000 đồng/bó.
Cô Trần Thị Mai (TP.Pleiku) phấn khởi nói: "Từ sáng tới giờ các loại quả như đu đủ, sung, dừa đắt hàng lắm. Mỗi chùm quả sung khoảng 3 lượng tôi bán từ 10.000 -20.000 đồng, nhưng vẫn có rất nhiều khách hỏi mua. Hôm qua lấy tận 40kg sung nhưng sáng nay đã bán gần hết. Bên cạnh sung, nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá song vẫn thu hút khách. Nhiều vị khách tâm sự, vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, kinh tế kém đi tuy nhiên cả năm mới có mấy ngày tết phải đầy đủ, no ấm…".
Rau, củ ế ẩm, giá rẻ bèo vẫn không ai mua
Trái lại với những mặt hàng hoa, quả, các gian hàng rau, củ luôn trong tình trạng ếm ẩm, giá rẻ bèo vẫn thưa thớt khách hỏi mua. TP. Pleiku có tổng diện tích gieo trồng rau, hoa phục vụ tết khoảng gần 200 ha. Đây cũng là nguồn cung cấp cho các chợ trên địa bàn vào dịp tết về. Tuy nhiên, hiện nay trên những ruộng rau, hay tại chợ vẫn nằm phơi mình chờ khách đến mua. Nhiều khách hàng đã đặt mua tại ruộng trước đó cũng liên tục hủy vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Năm nay, năng suất về rau, củ tăng mạnh, tuy nhiên tình hình tiêu thụ các mặt hàng này lại giảm, giá thành thương lái mua thấp. Giá thành trung bình thương lái mua của người dân hiện nay chỉ đảm bảo được 50% so với giá thành sản xuất. Việc đầu ra cho sản phẩm của người dân gặp nhiều khó khăn, một số diện tích người dân phải tự nhổ bỏ.
Chị Trần Thị Thanh Nhung (thôn 1, xã An Phú, TP.Pleiku) chia sẻ: "Gia đình mình có 7 sào rau, chủ yếu là xà lách, bắp cải với chi phí đầu tư gần 40 triệu đồng. Nhưng vì dịch Covid-19 bùng phát, đến thời điểm này 3 sào bắp cải của mình coi như bỏ, xà lách xuống giá 1.000 đồng/kg mua tại vườn nhưng rất ít thương lái tới mua, những năm được giá, xà lách có giá từ 7-10.000 đồng/kg. Nhà mình năm nay coi như mất Tết".
Trước tình cảnh người nông dân trên địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19 gây ra, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã có phương án, kế hoạch ứng phó, hỗ trợ người dân, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các siêu thị có giải pháp thu mua, tiêu thụ hết nông sản tươi sống cho nông dân, hợp tác xã ở vùng dịch Covid-19.