Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040
Ngày 31/10, Vụ trưởng Vụ quy hoạch kiến trúc Bộ Xây dựng, Trần Thu Hằng chủ trì Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An được Thủ tướng thành lập theo Quyết định số 85 ngày 11/6/2007 với quy mô diện tích 18.826,47 ha và được quy hoạch chung xây dựng tại Quyết định số 1534 ngày 21/10/2008.
Trong quá trình thực hiện, quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đã trải qua 2 lần điều chỉnh mở rộng ranh giới, bổ sung các Khu công nghiệp Hoàng Mai, Khu công nghiệp Đông Hồi (1.200 ha) vào năm 2014 và Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An (750 ha) vào năm 2015.
Tính đến nay, tổng diện tích Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An là 20.776,47 ha, nằm trên địa bàn các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò và thành phố Vinh.
Việc thành lập và triển khai xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đồng thời cũng là đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng, góp phần mở rộng thị trường khu vực Bắc Trung Bộ và là cầu nối với thị trường Lào, Thái Lan.
Sau 12 năm thực hiện, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cần được rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Trong đó, Nghị quyết số 26 ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, yêu cầu Nghệ An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.
Những vấn đề bất cập của Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An
Về cơ bản, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An được chia làm 4 khu vực, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thành lập năm 2008; Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP; Khu công nghiệp Hoàng Mai (Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 + Khu công nghiệp Hoàng Mai 2) và Khu công nghiệp Đông Hồi.
Trong đó, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thành lập năm 2008 có diện tích 18.826,47 ha, bao gồm các phân khu chức năng là khu phi thuế quan, khu thuế quan (Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, Khu đô thị, Khu du lịch nghỉ dưỡng...). Hiện tại, diện tích đất cho thuê xây dựng nhà máy hiện nay là 230 ha, chiếm 7,95% diện tích Khu công nghiệp. Tuy nhiên, khu vực phi thuế quan và Khu công nghệ cao chưa triển khai được.
Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP có tổng diện tích 750 ha, bao gồm 367,6 ha Khu công nghiệp và khu đô thị 382,4 ha. Hiện tại, 20 doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư và cho thuê đất khoảng 60 ha, chiếm tỷ lệ lấp đầy 16%.
Khu công nghiệp Đông Hồi có tổng diện tích 1.400 ha với 32,2% đất xây dựng các nhà máy. Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 có diện tích 289,67 ha và đã đầu tư xây dựng cơ bản hạ tầng, cho thuê đất 26 ha. Khu công nghiệp Hoàng Mai 2 có diện tích 343 ha, nhưng hạ tầng Khu công nghiệp chưa được đầu tư xây dựng.
Hiện nay, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đang gặp những vấn đề bất cập cần được giải quyết càng sớm càng tốt. Trước hết, việc xây dựng các khu phi thuế quan không còn phù hợp sau khi Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do. Diện tích đất quy hoạch khu đô thị là 1.822,4 ha, nhưng hiện tại mới đạt 123,8 ha.
Quy hoạch các trung tâm công cộng và đất chuyên dùng như trung tâm công cộng đô thị; trường chuyên nghiệp… khó triển khai do vị trí không lợi thế so với ngoài Khu kinh tế. Quy mô quy hoạch Khu công nghệ cao không còn phù hợp với Luật công nghệ cao số 13 ngày 11/12/2014. Quy hoạch một số khu chức năng rất khó triển khai thực hiện do có nhiều dân cư sinh sống như khu phi thuế quan, Khu công nghiệp Nam Cấm...
Quá trình cập nhật các quy hoạch hạ tầng làm ảnh hưởng các khu chức năng của Khu kinh tế như hướng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam; đường sắt cao tốc Bắc - Nam; quy hoạch các khu bến cảng… và các công trình hạ tầng kỹ thuật đã triển khai đầu tư xây dựng trong Khu kinh tế. Cuối cùng, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An còn phải đối mặt với nhiệm vụ thích ứng và biến đổi khí hậu.
Việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An sẽ được thực hiện với các quan điểm chính là quy hoạch xây dựng Khu kinh tế trọng điểm ven biển năng động có đặc thù riêng, có sức cạnh tranh, lan tỏa và thu hút mạnh theo hướng hội nhập; quy hoạch trên nguyên tắc tôn trọng kế thừa các nghiên cứu trong các giai đoạn trước có sự điều chỉnh phù hợp với các định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quốc gia; Khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, tiềm năng lợi thế của vùng; Đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với anh ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường.
Trong khuôn khổ Đồ án, dân số toàn khu đến năm 2025 dự kiến sẽ là 180.000 người, tăng khoảng 31.000 dân so với năm 2018. Tỷ lệ lao động năm 2025 dự kiến đạt 99.000 người. Dự kiến, đất xây dựng đô thị và đất xây dựng công nghiệp vào năm 2025 lần lượt là 2.000 ha và 2.500 ha.
Đóng góp ý kiến cho việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa cho biết: “Trong định hướng chiến lược phát triển kinh tế, UBND tỉnh Nghệ An đã thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập quy hoạch và dự kiến thông qua vào cuối năm 2019 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết số 26 ngày 30/7/2013. Bên cạnh đó, Nghệ An cũng thực hiện một thay đổi lớn khi xác định dịch vụ du lịch là mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh trong tương lai”.
Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam cần điều chỉnh những gì?
Về cơ bản, các Bộ, Cục, Vụ và Hội đều nhất trí, việc điều chỉnh Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An là hết sức cần thiết. Nội dung Đồ án đảm bảo cơ sở pháp lý, thực hiện theo các Luật, Nghị quyết, Nghị định, Thông tư và Quyết định của Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh. Các Bộ cũng đã gửi văn bản đóng góp ý kiến cho UBND tỉnh Nghệ An và đơn vị tư vấn
Trong thời gian diễn ra Hội nghị thẩm định, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đề nghị UBND Nghệ An cập nhật và thống nhất các quy hoạch phù hợp với đường lối, mục tiêu phát triển của tỉnh; cập nhật các xu hướng phát triển, xem xét lại chỉ số lấp đầy Khu công nghiệp, Khu đô thị...
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị tỉnh Nghệ An cập nhật hiện trạng sử dụng đất của Khu kinh tế, phân kỳ quy hoạch theo từng kế hoạch 5 năm, làm rõ nội dung xử lý chất thải của Khu kinh tế...
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải lưu ý việc bổ sung nội dung sự cần thiết và tác động của vùng nước cảng biển của Khu kinh tế. Đại diện Bộ Tài chính đề nghị UBND Nghệ An làm rõ định hướng quy hoạch vùng, tỉnh và các quy hoạch liên quan; rà soát, đảm bảo quy hoạch chung Khu kinh tế phù hợp với các quy hoạch cao hơn.
Đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch kiến nghị tỉnh nghiên cứu xây dựng các giải pháp cho khu tái định cư dải ven biển và xác định hàng lang bảo vệ bờ biển để bảo vệ tài nguyên du lịch bền vững hơn. Đại diện Bộ Quốc phòng lưu ý UBND tỉnh cần làm rõ nội dung an ninh quốc phòng trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và đơn vị cần làm rõ vấn đề giải phóng mặt bằng, quy hoạch đất dự trữ, vấn đề thoát nước của Khu công nghiệp; xem xét lại vấn đề khai thác cảng nước sâu Cửa Lò, đặc biệt là đánh giá tác động môi trường; sân bay Vinh ảnh hưởng như thế nào đối với Khu kinh tế...
Đại diện Cục Phát triển đô thị đề nghị nghiên cứu bổ sung các tiềm năng và động lực phát triển các đô thị liên quan vì diện tích Khu kinh tế quá lớn.
Cục Hạ tầng kỹ thuật kiến nghị bổ sung chỉ tiêu chiếu sáng đô thị, cập nhật chỉ tiêu cấp nước... Vụ Quy hoạch kiến trúc đề nghị bổ sung, làm rõ nội dung nhiệm vụ tái định cư, nhà ở xã hội.
Kết luận Hội nghị, Vụ trưởng Vụ quy hoạch kiến trúc Bộ Xây dựng Trần Thu Hằng đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện một số nội dung chính của Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An; trước hết là làm rõ mối quan hệ liên tỉnh, mối quan hệ vùng với Bắc Trung Bộ và các nước láng giềng, cơ cấu kinh tế trong Khu công nghiệp, sơ bộ dự kiến các chỉ tiêu dân số, đất đai...
Ngoài ra, Đồ án cũng phải làm rõ các nội dung yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh: Ranh giới quy hoạch, tính chất chức năng Khu kinh tế, xác định lợi thế và động lực mới, cập nhật phân khu chức năng, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật (cấp nước, sân bay, cảng biển...), vấn đề bảo vệ môi trường, nguồn lực thực hiện...
Hội đồng thẩm định cũng đề xuất điều chỉnh tên Đồ án thành “Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040”. Thay mặt chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch Lê Ngọc Hoa cam kết, UBND tỉnh Nghệ An sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn cập nhật, giải trình các ý kiến của Hội đồng thẩm định và hoàn thiện Đồ án gửi Bộ Xây dựng, trình lên Thủ tướng Chính phủ.