DN vốn hóa thị trường lớn nhất 2019: Apple xếp sau Saudi Arabian Oil
Không ngạc nhiên khi đế chế dầu mỏ Saudi Arabian Oil vẫn đứng đầu danh sách vốn hóa toàn cầu với giá trị thị trường lên tới 1,89 tỷ USD. Có nhiều thời điểm trong năm, giá trị vốn hóa của tập đoàn này vượt ngưỡng 2 tỷ USD. Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh của Saudi Arabia sở hữu 20% lượng dự trữ xăng dầu của thế giới, có sản lượng khai thác lớn hơn cả tổng sản lượng của 4 công ty dầu mỏ niêm yết lớn nhất thế giới.
Apple đã có một năm bùng nổ khi giá trị vốn hóa thị trường tăng thêm 497 tỷ USD lên mức 1,25 nghìn tỷ USD, trở thành doanh nghiệp vốn hóa thị trường lớn thứ hai toàn cầu. Cổ phiếu Apple đã tăng mạnh trong nửa cuối năm 2019 sau khi công ty phát hành kênh truyền hình trực tuyến Apple TV+ và doanh số dòng iPhone 11, 11 Pro và 11 Pro Max mới ra mắt đạt mức kỷ lục.
Microsoft xếp ngay sau Apple trên BXH vốn hóa thị trường với giá trị vốn hóa đạt 1,19 nghìn tỷ USD, tăng 408 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái do sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động kinh doanh trên nền tảng Cloud.
Đứng thứ 4 trong BXH là Alphabet, công ty mẹ của Google với giá trị vốn hóa thị trường tăng 214 tỷ USD lên 934 tỷ USD, theo Forbes. Lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số và tìm kiếm thông qua Google vẫn đóng góp phần lớn doanh thu, trong khi các lĩnh vực mới mở rộng như trí tuệ nhân tạo hay xe tự lái cũng mang về những thành tựu khả quan.
Amazon của tỷ phú Jeff Bezos xếp sau Alphabet ở vị trí thứ 5 sau khi vốn hóa thị trường tăng 150 tỷ USD lên 887 tỷ USD trong năm 2019, nhờ dự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực điện toán đám mây trên nền tảng Amazon Web Services.
Bất chấp một năm đầy sóng gió với hàng loạt bê bối lộ dữ liệu người dùng và phải nộp phạt 5 tỷ USD, vốn hóa thị trường Facebook vẫn tăng mạnh 213 tỷ USD lên 588 tỷ USD nhờ sự gia tăng chóng mặt lượng người dùng các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, WhatsApp..., qua đó đứng thứ 6 trên BXH.
Theo một khảo sát mới đây của tạp chí Nikkei Asian Review, giá trị vốn hóa của gã khổng lồ thương mại Trung Quốc Alibaba đã tăng lên 570 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 7 trên BXH vốn hóa toàn cầu và trở thành doanh nghiệp Châu Á có giá trị thị trường lớn nhất, xếp trên cả Berkshire Hathaway (554 tỷ USD). Vốn hóa thị trường của Alibaba đã tăng 60% trong năm, vượt xa mức tăng 20% của Amazon và 29% của Alphabet. Hồi cuối tháng 11, khi Alibaba lên sàn Hồng Kông, đế chế thương mại điện tử này đã thành công huy động khoảng 11 tỷ USD, tạo thành thương vụ niêm yết cổ phiếu lớn nhất trên sàn Hồng Kông từ năm 2010 đến nay.
Tencent Holdings, công ty từng giữ vị trí số 1 trong BXH giá trị vốn hóa thị trường các doanh nghiệp Châu Á hồi năm 2018 đã phải nhường chỗ cho Alibaba do doanh số quảng cáo yếu hơn, dù tổng vốn hóa vẫn tăng 20% trong năm. Vụ bê bối liên quan đến quyền kiểm duyệt dữ liệu TikTok do ByteDance (công ty con của Tencent) quản lý đã khiến Tencent Holdings đối diện với những cuộc điều tra mới từ chính quyền Donald Trump. Việc Bắc Kinh phê duyệt ít tựa game hơn trong năm nay do lo ngại ảnh hưởng của game đến trẻ vị thành niên cũng buộc Tencent đối diện với những quy định khắt khe hơn. Dù vậy, một siêu ứng dụng giao nhận đồ ăn mang tên Meituan Dianping do Tencent hậu thuẫn vẫn chứng kiến giá trị thị trường tăng gấp đôi lên 76 tỷ USD trong năm.
Trên thị trường chứng khoán toàn cầu, các chỉ số chính tại thị trường Mỹ, Đức, Trung Quốc và Nhật Bản đều chứng kiến mức tăng trưởng trên 20%. Tiêu biểu như thị trường chứng khoán phố Wall, Nasdaq Composite vừa vượt ngưỡng 9.000 điểm trong phiên giao dịch 26/12 còn S&P 500 và Dow Jones cũng đồng thời vượt đỉnh lịch sử, với mức tăng hàng năm trên 20%. Các thị trường Đông Nam Á có xu hướng hoạt động kém hiệu quả hơn hơn với sự tăng trưởng nhẹ ở thị trường Indonesia và Thái Lan còn Malaysia thì giảm 5%.