Doanh nghiệp chật vật ứng phó với suy giảm xuất khẩu nông sản

13/06/2019 10:31 GMT+7
Trái ngược với xu hướng tích cực của năm ngoái, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đồng loạt suy giảm trong những tháng đầu năm 2019.

Trái ngược với xu hướng tích cực của năm ngoái, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đồng loạt suy giảm trong những tháng đầu năm 2019. Không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải chật vật để ứng phó.

“Rớt đài” ở thị trường chủ lực

Gạo, tôm cá và trái cây là những loại sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL trong nhiều năm qua, nhưng hiện xuất khẩu các sản phẩm này sang thị trường chủ lực là Trung Quốc đang sụt giảm mạnh ngay trong những tháng đầu năm nay, trái ngược với xu hướng đã diễn ra năm trước.

 Ảnh minh họa.

Cụ thể, đối với ngành rau quả, số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, đến hết quí 1-2019, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc (chiếm trên 70% tổng xuất khẩu của ngành) chỉ đạt 680 triệu đô la Mỹ, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn đối với cá tra, dù kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đến hết quí 1-2019 đạt 472 triệu đô la Mỹ, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông lại sụt giảm. Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông trong quí 1-2019 đạt hơn 99 triệu đô la Mỹ, giảm 1,8% so với cùng kỳ.

“Đây là lần đầu tiên sau ba năm, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông giảm so với cùng kỳ năm trước”, VASEP nhấn mạnh.

Ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang, cho rằng sự sụt giảm ở những thị trường chủ lực như Trung Quốc - Hồng Kông đã làm xáo trộn tình hình sản xuất, tiêu thụ ở thị trường nội địa, mà điều dễ nhận thấy nhất là các dự án mở rộng diện tích quy mô lớn được công bố trước đó hiện đã tạm dừng triển khai.

“Một điểm rất dễ nhận thấy nữa, đó là giá cá tra nguyên liệu giảm chỉ còn 24.000 đồng/ki lô gam so với mức 36.000 đồng của năm ngoái; giá cá giống giảm còn 25.000-26.000 đồng/ki lô gam so với mức trên 60.000 đồng/ki lô gam”, ông Văn cho biết.

Trong khi đó, với mặt hàng tôm, tháng 3-2019, xuất khẩu loại sản phẩm này của Việt Nam đạt gần 244 triệu đô la Mỹ, giảm 19,3% so với tháng 3-2018. Lũy kế ba tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm đạt 617,6 triệu đô la Mỹ, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2018, theo VASEP.

Không nằm ngoài xu hướng trên, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, đối với mặt hàng gạo, trong quí 1-2019, xuất khẩu chỉ đạt 1,43 triệu tấn, giảm 3,5% về lượng và 20,2% về giá trị so với cùng kỳ. Riêng thị trường Trung Quốc đã ghi nhận sự sụt giảm lên đến trên 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những diễn biến về tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như nêu ở trên hoàn toàn trái ngược với những nhận định đầy lạc quan được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra hồi đầu năm khi đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt từ 43 tỉ đô la Mỹ trở lên, tăng 3 tỉ đô la Mỹ so với năm 2018.

Doanh nghiệp tìm cách ứng phó

Trong bối cảnh xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực cả nước nói chung sụt giảm, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách ứng phó để duy trì kết quả kinh doanh.

Chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước hiện còn cao, làm giảm tính cạnh tranh.

Ông Ong Hàng Văn cho biết ở thị trường Trung Quốc, khẩu vị và thị hiếu của họ có sự thay đổi, do đó ngành cá tra cũng đã có sự thay đổi trong thời gian qua để thích nghi, từ xuất khẩu sản phẩm phi lê chuyển sang xẻ bướm nướng.

“Với việc thị trường hiện nay đã sụt giảm, tức đã bão hòa, bây giờ doanh nghiệp phải bắt đầu nghĩ đến sản phẩm khác, chứ bán hoài một mặt hàng là không ổn, người ta sẽ ngán”, ông nói và cho biết sắp tới doanh nghiệp sẽ tạo ra những sản phẩm khác biệt, mới mẻ hơn nhằm tiếp tục “chinh phục” thị trường và duy trì được đà tăng trưởng. “Mình phải thích ứng, tạo ra cái mới may ra mới bán được”, ông nói.

Còn theo ông Lê Phát Long, Giám đốc Công ty TNHH Phát Tài, riêng với thị trường Trung Quốc, ngoài việc thuế xuất khẩu vào đây tăng, thì yêu cầu nâng cao chất lượng, tăng cường kiểm soát hàng hóa và kiểm tra về an toàn thực phẩm là những yếu tố khiến xuất khẩu gạo Việt Nam vào nước này sụt giảm mạnh.

Dẫn chứng điều này, theo ông Long, Việt Nam hiện có 21 doanh nghiệp đạt yêu cầu xuất khẩu gạo vào Trung Quốc, nhưng từ năm 2019, phía Trung Quốc bắt buộc phải xuất tại cửa của 21 doanh nghiệp này, tức không được nhận xuất ủy thác cho các đơn vị khác. “Năm 2018, 21 doanh nghiệp này còn có thể nhận xuất ủy thác cho mấy đơn vị chưa có giấy phép, nhưng năm nay phải xuất trực tiếp, không được xuất ủy thác nữa”, ông cho biết.

Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng yêu cầu doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu vào quốc gia này phải đăng ký công suất của nhà máy. “Ví dụ, doanh nghiệp A, có nhà máy công suất 100 tấn/ngày, tương đương 36.500 tấn/năm, thì mỗi năm xuất không quá số lượng đó, nếu vượt quá sẽ bị cắt giấy phép”, ông dẫn chứng và cho biết thời gian qua doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào thị trường này cũng đã tăng cường đầu tư vào hệ thống máy móc để một mặt sản phẩm đạt chất lượng, mặt khác đáp ứng yêu cầu duy trì được đà tăng trưởng trong kinh doanh.

Ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX), nhìn nhận thị trường nhập khẩu tôm toàn cầu không sụt giảm, người ăn tôm ngày càng nhiều. “Nhưng, mình không tăng trưởng được vì các quốc gia khác đã chiếm phần tăng trưởng của mình rồi”, ông nhấn mạnh và cho biết sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam kém so với Indonesia, Ấn Độ, Pakistan vì giá thành trong nước quá cao".

Theo ông Phẩm, bản thân doanh nghiệp không thể một mình quyết định được sự thay đổi của giá thành sản phẩm, mà cần phải có sự vào cuộc của Nhà nước vì giá thành tôm phụ thuộc vào trình độ sản xuất, con giống, thức ăn, thuốc vi sinh...

“Cốt lõi của vấn đề là do ngành khoa học công nghệ của mình không phát triển, cho nên, dẫn đến nhiều hệ lụy về con giống, thức ăn, cơ khí này kia... làm bằng phương pháp thủ công, dẫn đến chi phí cao”, ông nhấn mạnh và gợi ý muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành tôm thì Nhà nước phải “kích hoạt” thay đổi từ ngành khoa học công nghệ.

Theo TBKTSG
Cùng chuyên mục