Doanh nghiệp fintech thấp thỏm chờ khung pháp lý
Các doanh nghiệp trung gian thanh toán e ngại với dự định áp dụng tỷ lệ tối đa với sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Vay ngang hàng phải đăng ký ngành nghề kinh doanh khác
Đã có các doanh nghiệp fintech hoạt động cho vay ngang hàng nhưng phải đăng ký các ngành nghề kinh doanh khác và chấp nhận nguy cơ không tuân thủ với các giấy phép kinh doanh của họ.
Các doanh nghiệp phải làm như vậy bởi khung khổ pháp lý hiện nay không có ngành nghề kinh doanh cụ thể cho dịch vụ cho vay ngang hàng và doanh nghiệp không rõ họ nên đăng ký ngành nghề kinh doanh nào để cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng tại Việt Nam.
Đây là thực trạng được ông Frederick Burke, Trưởng nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) dẫn chứng để cho thấy, việc thiếu quy định hướng dẫn đã khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm hướng phát triển cho ngành này tại Việt Nam, đặc biệt, trong cuộc đua fintech đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á.
Cùng quan điểm về việc cần nhanh chóng đưa ra khung khổ pháp lý cho fintech nói chung và hoạt động cho vay ngang hàng nói riêng, ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc của Tập đoàn công nghệ NextTech cho rẳng: “Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng khung khổ pháp lý thử nghiệm cho các hoạt động fintech, trong đó có hoạt động cho vay ngang hàng”.
“Theo tôi, cần có khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và kiểm soát tốt hoạt động này càng sớm càng tốt. Bằng cách đó, các công ty hoạt động tốt, có năng lực kiểm soát rủi ro cao sẽ tồn tại. Ngược lại, các công ty quản lý lỏng lẻo, có các hoạt động biến tướng sẽ bị hạn chế hoạt động”.
Đừng để trần sở hữu cản trở sự phát triển
Cũng trong lĩnh vực fintech, một nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài là đề xuất tỷ lệ sở hữu tối đa đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Frederick Burke nói: “Chúng tôi hiểu rằng Chính phủ Việt Nam đang xem xét hạn chế quyền sở hữu nước ngoài trong các công ty fintech. Đáng lưu ý, trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước đề xuất trần 30% sở hữu nước ngoài trong các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán”.
“Chúng tôi lưu ý rằng điều này có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của fintech tại Việt Nam. Nhiều dịch vụ fintech phụ thuộc rất lớn vào việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn, các công ty nước ngoài đã đi trước trong việc phát triển các công nghệ này”.
Cùng quan điểm về điều này, bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) nhận xét: “Kế hoạch áp dụng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán và fintech sẽ hạn chế đáng kể các công ty khởi nghiệp fintech Việt Nam trong việc huy động vốn từ các tổ chức đầu tư nước ngoài, từ đó, hạn chế khả năng thu hút nhân tài và khiến họ kém cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác trong khu vực. Nhìn chung, những giới hạn như vậy sẽ cản trở sự phát triển của ngành”.
Vì vậy, đại diện AmCham hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ duy trì các chính sách tạo điều kiện cho dịch vụ fintech có cơ hội đóng góp vào công cuộc đổi mới công nghệ và phổ cập tài chính tại Việt Nam.
Từ góc độ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực fintech, ông Nguyễn Hòa Bình bình luận: “Quy định giới hạn sở hữu như vậy có thể gây khó và xáo trộn hoạt động của một số doanh nghiệp trung gian thanh toán, bởi một số doanh nghiệp đã huy động vốn nước ngoài với tỷ lệ trên 30%. Do đó, cần cân nhắc khi áp dụng”.
Còn theo ông Frederick Burke, Chính phủ Việt Nam cần ban hành thêm quy định hướng dẫn cho các dịch vụ fintech mới, đặc biệt là các dịch vụ fintech như cho vay ngang hàng đã và đang hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, cần bảo đảm rằng không có hạn chế về sở hữu nước ngoài đối với các công ty fintech để không cản trở sự phát triển của ngành này tại Việt Nam.