Doanh nghiệp “gồng mình” gánh chi phí, lạm phát năm 2022 có thể lên đến 4%

15/11/2021 19:27 GMT+7
Theo phản ánh của doanh nghiệp, doanh nghiệp chấp nhận “gồng mình” gánh chi phí khi giá cả đầu vào tăng cao, thay vì tăng giá bán trong bối cảnh nhu cầu thị trường còn đang yếu do tác động của đại dịch.

Giá hàng hóa trên thị trường thế giới từ xăng dầu cho đến nguyên vật liệu cơ bản đều tăng. Tại thị trường trong nước, giá các mặt hàng xăng trong nước đã có lần tăng thứ năm liên tiếp trong kỳ điều chỉnh gần nhất (10/11) và hiện mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm. 

So với đỉnh lịch sử ghi nhận vào năm 2014, giá xăng hiện nay chỉ thấp hơn 1.980 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và 1.150 đồng đối với xăng RON 95.

Trong vòng một năm qua, giá các mặt hàng xăng trong nước chỉ có 3 lần giảm, 3 lần giữ nguyên nhưng có tới 18 lần tăng giá.

Đà tăng của giá xăng dầu, cùng với nhiều mặt hàng khác cũng "nóng lên" theo giá xăng dầu thời gian qua đã khiến cho sức ép từ chi phí đầu vào đối với doanh nghiệp trong nước tăng lên.

Doanh nghiệp “gồng mình” gánh chi phí, lạm phát âm thầm tăng - Ảnh 1.

Giá các mặt hàng xăng dầu tăng 5 lần liên tiếp. (Ảnh: T.P)

Doanh nghiệp "gồng mình" gánh chi phí, lạm phát âm thầm tăng

Chia sẻ với PV Etime, đại diện doanh nghiệp một chuỗi cung ứng quốc tế cho biết, nhiều doanh nghiệp đang "gồng mình" gánh chi phí do chi phí đầu vào tăng cao, chấp nhận hy sinh lợi nhuận thay vì "tư bắn vào chân mình".

"Trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu của thị trường còn rất yếu, trong khi đó áp lực cạnh tranh trên thị trường rất khốc liệt vì vậy, thời điểm hiện tại doanh nghiệp không dám điều chỉnh mạnh giá sản phẩm, như thế không khác gì việc tự bắn vào chân mình. Thay vào đó, doanh nghiệp phải chấp nhận lãi ít, thậm chí còn phải bù lỗ nếu không cắt giảm được các chi phí khác. Nếu doanh nghiệp tăng giá đồng loạt, lạm phát tăng là điều khó tránh khỏi", vị này nói.

Doanh nghiệp “gồng mình” gánh chi phí, lạm phát âm thầm tăng - Ảnh 2.

Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, bình quân 10 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung là 1,81%. Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và nhiên liệu tăng.

TS Phạm Thế Anh - Chuyên gia kinh tế vĩ mô; Trưởng bộ môn Kinh tế Vĩ mô, trường Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích, chỉ số CPI theo báo cáo của Tổng cục Thống kê tăng chỉ khoảng 1,8% – con số rất thấp, nhưng khi nhìn vào chỉ số GDP deflator (chỉ số điều chỉnh GDP) tăng tới 23%. 

Điều đó thể hiện sự phân kỳ giữa 2 chỉ số, mức chênh lệch lên tới 10 lần, trong khi đó CPI và GDP deflator thông thường thường song hành cùng nhau.

Sở dĩ có sự phân kỳ như vậy, theo ông Phạm Thế Anh là do CPI tính toán giá hàng hóa và dịch vụ được mua bởi người tiêu dùng, mà thời gian vừa qua chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu. Trong khi đó, GDP deflator đo lường tất cả giá hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra, nên phản ánh chính xác thực trạng giá cả trong nền kinh tế.

Do đó, không trước thì sau, giá sản xuất cuối cùng cũng sẽ phản ánh vào giá tiêu dùng khi doanh nghiệp chuyển gánh nặng tăng giá nguyên vật liệu lên vai người tiêu dùng. Điều đó đồng nghĩa với việc, nguy cơ lạm phát tương đối lớn – theo vị chuyên gia này.

Lạm phát năm 2022 sẽ lên tới 4%?

Tại buổi tọa đàm vừa diễn ra tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, lạm phát sẽ là một trong những rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam.

"Theo dự báo của chúng tôi, giá xăng dầu, giá kim loại và giá lương thực thực phẩm trên thị trường thế giới chưa thể giảm nhanh được, thậm chí giá thế giới có thể tạo một mặt bằng giá mới cao hơn sau đại dịch Covid-19. Do đó, đối với Việt Nam lo ngại về nhập khẩu lạm phát là có thật", ông Thắng nói.

Doanh nghiệp “gồng mình” gánh chi phí, lạm phát âm thầm tăng - Ảnh 3.

Ảnh hưởng của giá cả quốc tế. (Ngồn: TS Trần Toàn Thắng)

Trong đó, ông Thắng đặc biệt lưu ý ảnh hưởng của giá dầu thế giới tới lạm phát của Việt Nam, bởi mức độ lan tỏa của giá dầu tương đối lớn với tất cả các ngành.

Theo đó, giá dầu tăng sẽ tác động vào lạm phát của nửa đầu năm 2022 của Việt Nam, có thể tiếp tục kéo dài đến hết năm 2022 và trở về mức bình ổn hơn vào năm 2023. Vì vậy, năm 2022 sẽ là thời điểm quan trọng Việt Nam thực hiện kiểm soát lạm phát. Dự báo, giá dầu có thể ảnh hưởng 1 điểm % tới lạm phát của Việt Nam, theo TS Thắng.

Ngoài giá dầu, giá kim loại và giá lương thực thực phẩm có tác động nhưng không quá lớn đến lạm phát của Việt Nam, trong đó, biến động của giá kim loại sẽ ảnh hưởng khoảng 0,2 điểm % tới lạm phát, bởi đó là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp.

Từ thực tế kể trên, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị, Việt Nam cần đánh giá đúng nguy cơ lạm phát để có biện pháp bình ổn

Dự báo, lạm phát năm 2021 sẽ dao động từ 2 – 2,5% và năm 2022 có thể lên tới 4%.

Huyền Anh
Tags:
Cùng chuyên mục