Doanh nghiệp là hạt nhân, đầu tàu dẫn dắt chuỗi liên kết giá trị nông nghiệp
Phát biểu tại hội thảo chuyên đề Nông nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và do nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và hội nhập ngày càng sâu vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; thời gian qua, sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã phát triển với nhiều nội dung, hình thức đa dạng.
Lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, liên kết với các thành phần trong chuỗi giá trị.
Việc lựa chọn phương thức phát triển chuỗi giá trị các nhóm sản phẩm dựa trên các nguyên tắc: Lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, liên kết với các thành phần trong chuỗi giá trị; bên cạnh vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn, Nhà nước đặc biệt lưu ý đến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức của nông dân; lấy đây làm nền tảng và khâu trung gian quan trọng để kết nối nông hộ nhỏ vào các chuỗi giá trị nông nghiệp một cách toàn diện và bền vững
Doanh nghiệp là đầu tàu để dẫn dắt chuỗi liên kết
Cùng nói về liên kết các thành phần trong chuỗi giá trị nông nghiệp, ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH cho biết, hơn 10 năm qua, Tập đoàn đã thành công trong việc đầu tư nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa. Theo ông, chìa khoá vàng của thành công là ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa, từ đó, tạo thương hiệu có tầm ảnh hưởng, sản phẩm đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.
"Chúng tôi đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo, đưa ngành chăn nuôi lên quy mô rộng hơn, cấp nông hộ để phát triển mạnh trong tương lai. Chúng tôi đã tổ chức ở Lâm Đồng công ty Đà Lạt milk với HTX bò sữa", ông Hải nói và cho biết, đây chính là mô hình liên kết chuỗi giá trị để phát triển bền vững.
Quá trình triển khai chuỗi liên kết nông hộ ở Đà Lạt, tập đoàn TH đã rút ra bài học chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa các thành viên trong chuỗi; xây dựng quy chuẩn về sản phẩm, ký hợp đồng với nông hộ để người dân giao sản phẩm đảm bảo chất lượng. Tập đoàn đã thay đổi tư duy của người dân, xuất phát từ nông hộ quy mô nhỏ sang trang trại kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất - điều kiện tiên quyết thúc đẩy mô hình tăng trưởng vì nếu "sản xuất lấy công làm lãi thì không thể phát triển".
Cần có doanh nghiệp đầu tàu để dẫn dắt chuỗi liên kết.
"Khi chúng tôi đưa con chip vào cổ con bò thì nhiều người hoài nghi bà con có đồng ý không. Tuy nhiên, người dân lại rất thích dù chưa biết hiệu quả như thế nào. Cũng như điện thoại thông minh, dùng nhiều sẽ nghiện, không thể bỏ được. Đây là thành công trong chuỗi liên kết", ông Hải nói.
Chủ tịch tập đoàn TH cũng cho hay, muốn phát triển chuỗi liên kết cần phải tổ chức đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho người nông dân; kết nối nguồn hỗ trợ về tài chính. "Chúng tôi có HTX cung cấp dịch vụ thú ý, phối giống, thức ăn cho người dân, nhưng bà con đang cần nguồn vốn hỗ trợ. Chúng tôi kết nối với ngân hàng để bà con vay được vốn để phát triển", ông Hải cho hay.
Ông đề nghị cần có doanh nghiệp đầu tàu để dẫn dắt chuỗi liên kết. Đó có thể là doanh nghiệp nắm đầu ra, hoặc nắm sản phẩm trung gian, miễn là đảm bảo điều kiện về tiềm lực tài chính, đủ sức tạo ra ảnh hưởng mạnh, hoạt động chuyên nghiệp và có thương hiệu... "Nhà nước cũng nên đặt ra những quy chuẩn đạo đức cho doanh nghiệp, quy chuẩn đạo đức doanh nhân, ví dụ như phải cống hiến, phụng sự đất nước", ông Hải kiến nghị.
Doanh nghiệp dẫn dắt thị trường
Doanh nghiệp không chỉ đóng vai trò dẫn dắt chuỗi liên kết mà doanh nghiệp còn đóng có cị trí quan trọng trong việc đẫn dắt thị trường, ông Trần Quốc Toản - Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua Bộ đã thực hiện nhiều chính sách để mở cửa thị trường cũng như khuyến khích tiêu thụ tại thị trường trong nước, như: Chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đưa hàng vào các siêu thị...
Theo ông Toản, nông sản của Việt Nam đã có mặt tại hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp rất lớn. Từ tín hiệu phản hồi của thị trường, các doanh nghiệp đã hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng những thị trường khó tính nhất, đồng thời tạo ra sản phẩm đặc thù cho từng thị trường khác nhau. Ngoài ra, các doanh nghiêp đã triển khai tốt việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Tuy nhiên, ông Toản cũng cho rằng, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa phát huy được vai trò của mình, chưa tạo sức hút để các thành viên đi theo tạo nên thương hiệu... Ông đề nghị các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa tín hiệu thị trường để sản xuất các sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Lắng nghe các ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp, ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương đánh giá: Qua hội thảo, chúng tôi thấy rằng vấn đề về liên kết chuỗi rất được quan tâm, thời gian qua có nhiều tiến bộ nhưng còn rất ngổn ngang. Bên cạnh đó là vấn đề về doanh nghiệp xã hội, số hóa, logistics... là những từ khóa mới trong cuộc hội thảo này.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển làm hạt nhân, đầu tàu để dẫn dắt các chuỗi giá trị nông nghiệp.
“Ban tổ chức đã lắng nghe đầy đủ, chọn lọc các ý kiến để kiến nghị với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; trong đó có việc hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển làm hạt nhân, đầu tàu để dẫn dắt các chuỗi giá trị nông nghiệp", ông Cao Đức Phát cho hay.
Theo ông, Ban tổ chức hội thảo cũng đã tiếp tục được rất nhiều vấn đề cụ thể, đơn cử như mâu thuẫn giữa doanh nghiệp xã hội với Luật chứng khoán; sửa đổi Luật đất đai tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất...
"Muốn phát triển chuỗi phải có doanh nghiệp, đây là yêu tố quan trọng đầu tiên, nhưng không chỉ có như vậy mà còn sự tham gia của nông dân, hợp tác xã... Hôm nay có nhiều ý kiến về sửa đổi Luật hợp tác xã, chúng tôi tiếp thu để đề xuất đến cơ quan có thẩm quyền", ông Phát nói.