Doanh nhân tuổi Tý trải qua năm Kỷ Hợi đầy biến động ra sao?
Bà Nguyễn Thị Như Loan xoay xở với đống nợ ngàn tỷ đồng
Bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ của Cường Đôla) sinh năm 1960 và là người gốc Phú Yên. Bà Loan được biết đến là doanh nhân nổi tiếng tại Gia Lai với việc khởi nghiệp bằng ngành chế biến xuất khẩu gỗ trước khi chuyển sang kinh doanh phân bón, trồng cao su, thủy điện. Năm 2005, bà Loan lấn sân sang mảng bất động sản và thành lập CTCP Quốc Cường Gia Lai.
CTCP Quốc Cường Gia Lai hiện đang sở hữu hàng chục dự án lớn tại TP.HCM và nhiều dự án thủy điện khắp cả nước. Tuy nhiên tài sản của doanh nghiệp này lại giảm sút đáng kể trong nhiều năm gần đây.
Tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai giảm xuống chỉ còn khoảng 10,8 nghìn tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho tăng thêm hơn 330 tỷ đồng trong kỳ lên 7.850 tỷ đồng.
Năm 2019 tiếp tục là năm kinh doanh bết bát của Quốc Cường Gia Lai khi phải oằn mình trả đống nợ chồng chất và hàng tồn kho lớn. Trong đó, dự án Phước Kiển có diện tích 90ha tại Nhà Bè đã khiến cho Quốc Cường Gia Lai lâm vào cảnh khốn khổ. Dự án này khiến cho Quốc Cường Gia Lai vẫn còn khoản nợ phải trả cho Công ty Sunny Island với số tiền gần 2.883 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Quốc Cường Gia Lai còn đang vay nợ rất nhiều cá nhân, tổ chức khác với số tiền hàng tỷ đồng. Cụ thể, Quốc Cường Gia Lai đã vay CTCTP Chánh Nghĩa Quốc Cường 72 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Như Loan và con gái Nguyễn Ngọc Huỳnh My cũng đang cho Quốc Cường Gia Lai vay khoảng 120 tỷ đồng.
Chia sẻ với báo giới trước đây, bà Loan cho biết: "Nhà tôi có đồng nào tôi vét hết cho Quốc Cường Gia Lai sử dụng. Tôi vay bạn bè tiền cho doanh nghiệp sống. Xe của tôi đi, nhà tôi ở cũng mang thế chấp để góp tiền cho doanh nghiệp hết rồi. Cả 12 dự án đáng đứng im, tôi chỉ muốn khóc".
Dù vậy, lợi nhuận và doanh thu của Quốc Cường Gia Lai vẫn tăng mạnh trong quý III/2019. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 của Quốc Cường Gia Lai, lợi nhuận gộp đạt 43 tỷ đồng, cao gấp gần 3,7 lần so với cùng kì. Lũy kế 9 tháng, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu 689 tỷ đồng, tăng 33% và lợi nhuận sau thuế đạt 74 tỷ đồng.
Shark Hưng dính tai tiếng rót tiền vào công ty đa cấp BBI Việt Nam
Shark Hưng tên thật là Phạm Thanh Hưng sinh năm 1972. Ông hiện đang nắm giữ vị trí Chủ tịch CTCP CenInvest, Phó chủ tịch Cengroup.
Shark Hưng được biết đến là nhà đầu tư chiến lược cho nhiều dự án startup lớn. Vị cá mập này cũng là một trong những nhà đầu tư xuất hiện trong cả 3 mùa của gameshow Thương vụ bạc tỷ Shark Tank Việt Nam. Trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3 năm 2019 vừa qua, Shark Hưng đã cam kết đầu tư tổng cộng 85,43 tỷ đồng vào 7 startup bao gồm: LuxStay, Lamita, Astra, Greenjoy, Datbike, Vufood và Revex. Trong đó, startup Luxstay đã gọi vốn thành công 6 triệu USD.
Hồi tháng 1/2019, Shark Hưng đã ký kết thỏa thuận hợp tác và trở thành nhà đầu tư thiên thần của ứng dụng mua sắm tích điểm BBI Mall. BBI Mall là ứng dụng về thương mại điện tử của CTCP Công nghệ Internet Việt Nam (BBI Việt Nam) với mô hình mua sắm tích điểm, ứng dụng thương mại điện tử cho phép kết nối cộng đồng mua sắm, tiêu dùng trực tuyến, dựa trên nền tảng công nghệ 4.0. Tại BBI Việt Nam, Shark Hưng đóng vai trò là cố vấn cao cấp của công ty.
Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động, đến tháng 12/2019, BBI Việt Nam bị nghi hoạt động theo mô hình kinh doanh đa cấp và không phù hợp với qui định pháp luật. Hình ảnh Shark Hưng sau đó vẫn liên tục được sử dụng cho các chiến dịch truyền thông của BBI Việt Nam.
Phản ứng trước vụ tai tiếng này, Shark Hưng cho biết ông đã thoái vốn đầu tư tại BBI Việt Nam và hiện không còn liên quan đến công ty này. Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 13/12/2019, BBI cũng đã xác nhận: "Shark Hưng là nhà đầu tư thiên thần của công ty trong giai đoạn startup. Tuy nhiên, đến nay Shark Hưng đã thoái vốn, không còn liên quan đến BBI Việt Nam". Việc sử dụng hình ảnh trái phép của ông Phạm Thanh Hưng để quảng cáo cũng được phía fanpage của Shark Hưng yêu cầu BBI Việt Nam dỡ bỏ.
Ông chủ 8x Nguyễn Văn Tuấn và sự cố nước sạch sông Đà
Ông chủ 8x Nguyễn Văn Tuấn sinh năm 1984 (36 tuổi), là một trong những doanh nhân tuổi Tý trẻ thành công. Ông Tuấn hiện đang giữ vị trí Chủ tịch Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam – Gelex (GEX).
Trước đó, ông Tuấn được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT của Fecon. Sau đó, ông Tuấn đảm nhiệm ở nhiều vị trí khác nhau như Chủ tịch HĐQT CTCP Dây cáp Điện Việt Nam (CAV); Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Thiết bị điện; Chủ tịch Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex; Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Liên doanh S.A.S – CTAMAD. Năm 2016, ông được bầu làm Tổng giám đốc Tổng CTCP thiết bị điện Việt Nam (Gelex). Tháng 1/2018, ông được bầu kiêm nhiệm thêm chức danh Chủ tịch HĐQT Gelex. Đến tháng 6/2019 vừa qua, ông Tuấn được bầu làm chủ tịch HĐQT Tổng công ty Viglacera.
Bên cạnh đó, ông chủ 8x Nguyễn Văn Tuấn còn đang sở hữu một loại các dự án bất động sản nằm trên đất vàng của Hà Nội như Khách sạn Melia Hà Nội, Gelex Tower (52 Lê Đại Hành), Khách sạn Bình Minh (10 Trần Nguyên Hãn),...
Năm 2019 vừa qua là năm vận hạn đeo bám ông chủ 8x Nguyễn Văn Tuấn khi dính tới vụ bê bối sự cố nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu. Công ty TNHH Năng lượng Gelex của ông chủ 8x Nguyễn Văn Tuấn hiện đang sở hữu 60% cổ phần, chi phối CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) – đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch sông Đà cho thủ đô Hà Nội với công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm.
Viwasupco đã từng dính tới nhiều bê bối về chất lượng nước với 22 lần vỡ đường ống nước trước đây. Hồi tháng 10 vừa qua, đường ống nước của Viwasupco tiếp tục bị vỡ, nguồn nước bị nhiễm dầu bẩn, nước có mùi khét và chuyển sang màu đen khiến cho hàng triệu người dân Hà Nội không thể sử dụng nguồn nước, lâm vào cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng.
Mặc dù dính phải nhiều vụ bê bối, Viwasupco vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Theo báo cáo tài chính quý III/2019 của Viwasupco, doanh thu của công ty đã tăng 17% lên 138 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018, lợi nhuận gộp tăng 21% đạt gần 83 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp lên đến 60%.
Trong khi đó, Gelex ghi nhận doanh thu cả năm 2018 đạt 13.699 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.283 tỷ đồng. Tính trong 5 năm qua, tài sản của Gelex tăng gấp 3,4 lần; vốn chủ sở hữu tăng 3,6 lần; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng 3 lần.