Doanh thu thương mại điện tử tăng mạnh dịp Tết Tân Sửu 2021
Theo thông tin từ ngành Công thương Hà Nội, trong dịp Tết Tân Sửu 2021 vừa qua, doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp thương mại, hệ thống bán lẻ trên địa bàn tăng khoảng 7-10% so với Tết 2020.
Trong đó, doanh thu bán hàng trực tuyến tăng 20-25%, chiếm khoảng 5-7% tổng doanh thu bán hàng. Tỷ trọng khách hàng thanh toán trực tuyến chiếm 10-20%, tăng khoảng 15%.
Cũng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, giá cả hàng hóa được ghi nhận duy trì ổn định so với thời điểm trước Tết. Lượng hàng tồn kho sau Tết dưới 10%, đảm bảo lượng tồn kho hợp lý để sẵn sàng phục vụ nhân dân sau Tết.
Đối với các chợ dân sinh trên địa bàn, số liệu từ ngành Công Thương cho thấy, lượng hàng về chợ và lượng khách đến mua sắm tăng 5-10% so với ngày thường nhưng giảm khoảng 10% so với Tết năm 2020. Giá cả hàng hóa tại chợ cơ bản ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến.
Tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đã cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đạt khoảng 32,8 nghìn tỷ đồng, tăng trung bình khoảng 7-10% so với Tết 2020.
Theo thông tin từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trước Tết Tân Sửu 2021 giá cả thị trường không có biến động lớn. Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt, đồ cúng lễ chỉ tăng nhẹ theo thông lệ vào các ngày cận Tết.
Tuy nhiên, sau đó, một vài ngày đầu năm mới, giá các mặt hàng nhu yếu phẩm đã dần trở lại bình thường vào ngày mùng 4, 5 Tết. Đáng chú ý, hiện tại, giá một số mặt hàng được ghi nhận mức giảm nhẹ. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, mức giá luôn được giữ ổn định.
Theo nhận định từ Cục Quản lý giá, nhìn chung giá rau củ quả trong dịp Tết năm nay không có đột biến, thậm chí có xu hướng thấp hơn so với cùng kỳ các năm và so với ngày thường.
Cũng theo thông tin từ phía Cục Quản lý giá, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sau Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, các lễ hội hầu như đều được tạm dừng không tổ chức, các dịch vụ hàng ăn và dịch vụ ăn uống ngoài gia đình cũng có những hạn chế nhất định tại những tỉnh chịu ảnh hưởng bởi dịch.
Do đó, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân sẽ chỉ tập trung ở một số mặt hàng lương thực, thực phẩm và dự báo sẽ không có biến động lớn; giá cả hàng hóa sẽ nhanh chóng trở lại mức của ngày thường.
Ngoài ra, để tiếp tục bình ổn thị trường tháng sau Tết và quý I/2020, đại diện Bộ Tài chính cho hay, cơ quan này đã gửi kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu.