Đoạt giải Nhất thi khởi nghiệp với sản phẩm “Mát xa hoa dừa lấy mật”
Với sự tranh tài từ 30 dự án, dự án chế biến sản xuất các sản phẩm từ mật hoa dừa mang thương hiệu Sokfarm đã xuất sắc giành giải Nhất.
Dự án được triển khai từ năm 2018, chàng thanh niên Phạm Đình Ngãi cho biết: Sau khi chứng kiến cảnh giá bán trái dừa khô bấp bênh quá, nó thôi thúc tôi phải tìm một hướng đi mới, một sản phẩm gì đó giúp tăng giá trị kinh tế cho cây dừa. Sau mấy tháng tìm hiểu thì phát hiện ra ở những đất nước như Philippines, Thái Lan họ có ngành nghề thu mật hoa dừa, quay về Việt Nam thì thấy chưa ai làm nên tôi quyết định bỏ việc để nghiên cứu và thực hiện dự án.
Chia sẻ về ý tưởng làm thực hiện dự án, chị Thạch Thị Chal Thi chia sẻ: Đầu năm 2018, khi vừa lấy bằng thạc sỹ công nghệ thực phẩm tại ĐH Bách Khoa TPHCM, chị khăn gói về Trà Vinh chỉ sau một cuộc gọi của cha: "Dừa rớt giá quá, 12 trái chỉ bán được 20.000 đồng. Năm nay lỗ to rồi", giọng ông run run.
Trước khi lên xe, chị Thạch Thị Chal nhắn chồng: "Em về trước xem có thể làm được gì. Ổn thì anh hãy về". Lúc này, chồng cô - anh Phạm Đình Ngãi - đang làm giảng viên một trường Cao đẳng tại TP. HCM.
Theo đánh giá của Ban Giám khảo, Đình Ngãi và Chal Thi đã biết cách để nâng cao giá trị cho mật hoa dừa, một sản phẩm truyền thống của đồng bào thiểu số người Khmer khu vực Đông bằng sông Cửu Long.
Loại mật hoa dừa có vị ngọt thanh, có chỉ số đường huyết thấp hơn so với mật ong, đường mía và có hàm lượng khoáng cao, thích hợp đối với những người bệnh tiểu đường, người có chỉ số đường huyết cao, người già bồi bổ cơ thể. Mật tiết ra từ hoa dừa được cô đặc thành mật, đường và nhiều sản phẩm khác… , giúp tăng giá trị kinh tế.
Phát biểu tại Lễ trao giải cuộc thi, bà Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng Ban Thanh niên Nông thôn T.Ư Đoàn cho biết: Đây là năm thứ 3 Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020" được diễn ra. Ban Tổ chức mong muốn đây là chương trình quen thuộc, là sân chơi được thanh niên nông thôn đang sản xuất kinh doanh tại các vùng nông thôn.
“Năm 2020 không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng các dự án cũng tăng, các thí sinh đã nêu cụ thể dự án và đưa ra phương án kinh doanh cụ thể”- bà Nguyễn Thị Thu Vân cho biết.
Ban Tổ chức trao 2 giải Nhì trao cho dự án Mắm Gò Công và giá trị thực phẩm lên men tự nhiên của Lê Ngọc Thảo (Tiền Giang) và Dịch vụ du lịch bền vững tại Hà Giang của Sùng Mí Phìn (Hà Giang) với giá trị giải thưởng 30 triệu đồng/dự án.
Ngoài ra, dự án Dịch vụ du lịch bền vững tại Hà Giang của Sùng Mí Phìn còn được nhận thêm giải thưởng “Dự án phát triển vì cộng đồng” - giải thưởng này dành cho chủ dự án xuất sắc thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, trị giá 15 triệu đồng.
Giải Ba cho 3 dự án là Gối thảo dược người Dao của Lý Thị Quyên, Dự án chăn nuôi và chế biến gà vi sinh của Ngô Thị Thanh Tâm (cùng tỉnh Bắc Kạn) và Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ cây Tam thất trồng ở Simacai của Giàng Seo Châu (Lào Cai). Mỗi dự án nhận 15 triệu đồng tiền mặt.
Giải khuyến khích thuộc về 3 dự án là Mật thốt nốt Palmania (Châu Ngọc Dịu – An Giang), Phát triển cây gia vị Bạc hà & các sản phẩm chế biến từ Bạc hà (nhóm Bùi Thị Duyên – Thái Bình) và Túi biết thở – Bao bì bảo quản thực phẩm của Trần Thị Diễm My (TP. HCM). Mỗi giải trị giá 10 triệu đồng.