Dora - nền tảng dạy tiếng Nhật trực tuyến cho người Việt
Từng theo học chuyên ngành công nghệ thông tin Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Keio Nhật Bản, Nguyễn Trung Đức -sáng lập học viện tiếng Nhật Dora tâm niệm phải đổi mới tư duy về kinh doanh. Theo anh, doanh nghiệp không chỉ đơn thuần chạy đua cùng thị trường để tạo lợi nhuận mà phải lấy tiêu chí chất lượng, đổi mới công nghệ, đóng góp cho xã hội làm tiên phong.
Nguyễn Trung Đức nhìn nhận có nhiều cơ hội phát triển mô hình dạy học trực tuyến tiếng Nhật khi đất nước mặt trời mọc đã mở rộng việc tiếp nhận nguồn lao động nước ngoài cho nhiều lĩnh vực như xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng... Hơn nữa công nghệ và Internet đang ảnh hưởng sâu rộng đến giáo dục, vì vậy, với việc áp dụng công nghệ vào dạy và học, giờ đây mảng đào tạo trực tuyến đang trở thành ngành có giá trị hàng tỷ USD, trở thành xu hướng dạy học hiện đại.
Ứng dụng Dora được Trung Đức và các cộng sự phát triển giúp mọi người học tiếng Nhật trực tuyến mọi lúc mọi nơi, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo chuyển đổi số dựa trên nền tảng công nghệ học thuật tiên tiến.
Ngay từ khi bắt đầu, chàng trai sinh năm 1991 cho rằng sản phẩm giải quyết vấn đề gì chính là vấn đề cốt lõi. Khách hàng không quan tâm đến công nghệ đứng sau một nền tảng, họ chỉ quan tâm đến việc sau khi trả tiền thì cái họ được nhận là gì.
Vì thế người làm chủ doanh nghiệp phải hiểu "nỗi đau", bài toán của người dùng. Muốn xây dựng một startup thì cần phải xuất phát từ sự am hiểu khách hàng của người điều hành, doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh rõ rệt và thị trường còn đang trong giai đoạn mới phát triển.
Với nền tảng công nghệ thông tin, 10 năm học tiếng Nhật, xây dựng cộng đồng 300.000 người Việt và Nhật Bản, Đức nắm rõ vấn đề hầu hết của học viên gặp phải là không thể di chuyển xa và không có nhiều thời gian học nhưng vẫn muốn có giáo viên trực tiếp giảng dạy, nên học online là giải pháp tối ưu không chỉ hiện tại mà còn ở tương lai.
"Một công cụ đào tạo trực tuyến ngoài việc đảm bảo sự tương tác giữa giáo viên và học viên thì cần phải đảm bảo yếu tố lưu trữ dữ liệu, bài tập về nhà, đánh giá hiệu suất làm việc tự động... với một hệ thống chuyên biệt hóa", Trung Đức nhận xét.
Cụ thể, để giải quyết bài toán đặt ra, Dora phát triển phòng học ảo (Virtual Classroom) giúp người dạy và học có thể trao đổi dễ dàng. Khi không có giáo viên, học viên có thể chọn chế độ tự học với giáo trình, bài giảng điện tử, câu hỏi vấn đáp và nộp bài. Người dạy dựa trên hệ thống quản lý học tập (LMS - Learning Management System) để theo dõi quá trình học tập của người học và có điều chỉnh kịp thời. Startup còn phát triển công nghệ trợ lý học tập ảo có thể giảng bài theo giáo trình.
Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ mạng phân phối nội dung theo vùng - CDN được xây dựng trên cơ sở kỹ thuật trải phổ còn giúp startup phân phối học liệu cho học viên phù hợp. Cụ thể, công ty phân phối máy chủ theo từng khu vực Việt Nam, Nhật Bản để đảm bảo đường truyền nhanh dựa trên nền tảng điện toán đám mây của bên thứ ba hoặc chính doanh nghiệp. Những công nghệ mới tiên tiến trên thị trường cũng được đội ngũ lập trình viên ứng dụng trên hệ thống.
Các bài tập và bài thi của học viên được hệ thống lưu trữ, chấm điểm, giáo viên chỉ cần nhấn nút gửi bài cho tất cả học viên cùng lúc. Dựa trên kết quả, người dạy có thể chỉnh sửa bài cho người học ngay lập tức, giúp họ dễ ghi nhớ kiến thức nhờ kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Đơn cử, học viên có thể học 15 phút, sau đó làm bài 5 phút để ôn lại kiến thức, người dạy có thể theo dõi sát sao tiến độ tiếp thu của từng người học.
Khác với những khóa học qua video, Dora vẫn duy trì lịch học cố định với giáo viên như hình thức dạy truyền thống và kết nối với người học dựa trên nền tảng công nghệ trực tuyến. Song song việc xây dựng giáo trình điện tử từ sơ cấp đến cao cấp và hệ thống kỹ thuật, đến tháng 8/2018, startup đưa ra bản mẫu đầu tiên nhưng chỉ với 50% số hóa. Đến tháng 10, doanh nghiệp hoàn thành 100% số hóa việc dạy trực tuyến. Qua nhiều lần cải tiến, sửa lỗi, tháng 4/2019 startup bắt đầu bán sản phẩm nhờ công nghệ tốt, ổn định hơn.
"Thời gian đầu thử nghiệm, các bạn lập trình viên phải đến từng địa chỉ học viên đang ở để theo dõi buổi học, từ đó xem xét những lỗi gặp phải, chỗ nào bất tiện để sửa ngay, rồi dần dần chúng tôi cũng hoàn thiện được sản phẩm như hiện nay", nhà sáng lập chia sẻ.
Ban lãnh đạo hoàn thiện giáo trình điện tử với nhiều âm thanh, hình ảnh giúp học viên tập trung tiếp thu bài giảng. Ngoài học tiếng, học viên còn có thể chọn thêm khóa giao tiếp với giáo viên người Nhật hoặc người Việt. Giáo viên Dora đều được tuyển chọn khắt khe với hai vòng phỏng vấn, trình độ N1, N2 cùng kinh nghiệm dạy học tiếng Nhật (online hoặc offline). Với điều kiện làm việc thuận lợi có thể làm việc bất cứ đâu mà không cần ngồi văn phòng cùng với nhiều ứng dụng công nghệ hỗ trợ việc dạy và giám sát việc học của học viên dễ dàng, startup thu hút nhiều giáo viên giỏi ở cả Việt Nam và Nhật Bản.
Đến nay, startup đã có gần 30 nhân viên, khoảng 50 giáo viên người Việt và người Nhật cùng hàng nghìn học viên, mỗi giáo viên phụ trách một lớp. Với hàm lượng chất xám trong sản phẩm cao, hệ thống chuyên biệt tự động có thể kiểm soát và cải thiện chất lượng từng buổi học thông qua phản hồi của khách trực tiếp trên nền tảng.
Sau khi tập trung ổn định và vận hành tốt hệ thống dạy tiếng Nhật, doanh nghiệp sẽ phát triển ra nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Hàn, tiếng Anh... cùng kiến thức văn hóa gồm toán, lý, hóa, sinh... và các kỹ năng mềm. Chiến lược dài hạn, startup sẽ tiếp tục cung cấp giải pháp này cho doanh nghiệp (du học, trung tâm đào tạo tiếng Nhật, xuất khẩu lao động...) kể cả online hoặc offline để giúp họ chuyển đổi số. Với nền tảng công nghệ không chỉ hỗ trợ gọi video mà còn quản lý việc học, quá trình vận hành, tài liệu... theo quy chuẩn chung sẽ giúp đơn vị nâng cao chất lượng đào tạo.
"Nhiều cơ sở đào tạo truyền thống vẫn đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi số vì vẫn còn nhiều hạn chế như không có công cụ quản lý, giáo trình điện tử, công nghệ mới... Nên đây sẽ là phương án giúp họ tối ưu hóa nguồn lực phát triển", anh Đức cho hay.
Startup chủ động hỗ trợ miễn phí nền tảng học tiếng Nhật trực tuyến tại Đại học Công nghệ Vạn Xuân ở Nghệ An, Đại học Ngoại thương trong thời gian cách ly nhằm chung tay cùng cộng đồng ở nhà chống dịch.
Với vốn đầu tư tự thân từ các nhà sáng lập, đại diện startup nhận định thiếu nguồn vốn để phát triển nhanh là khó khăn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi khởi nghiệp. Bên cạnh đó, nhân sự trẻ cần nhiều thời gian đào tạo và áp lực từ chính sách giảm giá của đối thủ cạnh tranh là khó khăn chính. Anh Đức mong muốn thế hệ doanh nhân mới tạo ra sản phẩm chất lượng với giá bán phù hợp thay vì đua theo dòng chảy giá rẻ, chất lượng thấp. Điều này sẽ giúp mô hình kinh doanh bền vững và khách hàng nhận giá trị cao hơn.
"Người làm kinh doanh nên thay đổi tư duy, thay vì làm những sản phẩm giá rẻ, chất lượng thấp trong lĩnh vực đào tạo, hãy tập trung ra sản phẩm chất lượng để bán với giá phù hợp thì ai cũng vui vẻ khi đón nhận", nhà sáng lập Dora chia sẻ.
Trong tương lai, nhà sáng lập kỳ vọng sẽ kết nối với nhà đầu tư có kinh nghiệm trong mảng giáo dục để tăng trưởng nhanh hơn khi tính thực thi, khả năng vận hành của doanh nghiệp đi vào ổn định. Theo đó, startup không chỉ mong nhận hỗ trợ về vấn đề tài chính, mà còn nhiều vấn đề khác như định hướng phát triển, truyền thông, kết nối mạng lưới khác...