Dự án Cánh Diều cất cánh nhận diện được khó khăn về hạ tầng cảng hàng không

02/10/2019 15:47 GMT+7
Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không Cánh Diều do Công ty Thiên Minh làm chủ đầu tư và cảnh báo không phù hợp với hạ tầng sân bay hiện tại.

Cụ thể, để kinh doanh vận chuyển hàng không quốc tế, nội địa hãng hàng không Cánh Diều sẽ đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng và chọn sân bay căn cứ là Chu Lai và Đà Nẵng.

Nếu được chấp thuận Cánh Diều sẽ dự kiến khai thác thương mại vào quý I/2020 với đội máy bay 6 chiếc ATR72 hoặc tương đương. Đến năm khai thác thứ 5 (2025), đội máy bay sẽ tăng lên 30 chiếc, bao gồm 15 máy bay ATR72 và 15 máy bay A320/321 hoặc tương đương.

Dự án Cánh Diều cất cánh nhận diện được khó khăn về hạ tầng cảng hàng không  - Ảnh 1.

Dự án Cánh Diều cất cánh nhận diện được khó khăn về hạ tầng cảng hàng không.

Cục Hàng không cho biết, dự án thành lập Hãng hàng không Cánh Diều đã nhận diện được khó khăn về hạ tầng cảng hàng không cho giai đoạn sắp tới. Trong đó, hạ tầng tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài đang quá tải.

Do đó, trong năm đầu tiên, Công ty Thiên Minh chỉ tập trung khai thác các đường bay từ khu vực miền Trung đi và đến các vùng Nam Trung bộ, Nam bộ và chỉ khai thác duy nhất đường bay từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đi/đến Côn Đảo, 3 đường bay từ sân bay quốc tế Nội Bài đi và đến các sân bay Điện Biên, Vinh và Chu Lai.

Đến năm khai thác thứ 3, công ty bắt đầu mở rộng khai thác các đường bay từ sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài đi và đến các cảng hàng không trong nước và nước ngoài. Kế hoạch này chỉ có thể khả thi trong trường hợp các dự án mở rộng và xây mới nhà ga hành khách tại hai sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cùng với sân bay Long Thành được thực hiện và đưa vào khai thác theo đúng tiến độ vào giai đoạn từ năm 2023 - 2025.

Trước sức "nóng" của ngành hàng không tăng trưởng nhanh, Cục Hàng không cho biết, kế hoạch của Cánh Diều khai thác 6 máy bay ATR 72 vào năm 2020 là có thể chấp thuận, đáp ứng nhu cầu thị trường đến sân bay hiện nay chưa thể khai thác bằng các loại máy bay lớn hơn.

Tuy nhiên, đến năm 2025, Cánh Diều dự kiến khai thác 30 máy bay thì cần phải được xem xét lại về tính hiệu quả của đội máy bay ATR-72 và năng lực, nguồn lực đề khai thác đội bay với quy mô 30 chiếc, và kiến nghị chỉ từ 20-25 chiếc để phù hợp với quy hoạch đội bay của các hãng hàng không Việt Nam…

Do lo ngại về quản lý, tính hiệu quả khi Cánh Diều tăng số lượng đội máy bay, Cục Hàng không nhắc Công ty Thiên Minh cần bổ sung, lưu ý các nội dung về quy mô đội bay.

Ngoài ra, xây dựng mạng lưới đường bay phù hợp với hiện trạng hạ tầng hàng không, và sẽ không đảm bảo việc cấp phép khai thác đi và đến Tân Sơn Nhất cho Cánh Diều giai đoạn từ năm 2020 cho đến khi nhà ga hành khách T3 được đưa vào khai thác.

Trả lời việc các hãng hàng không mới và đang xin giấy phép để mở đường bay, tại buổi họp báo quý III/2019, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: "Vấn đề an toàn luôn luôn được đặt lên hàng đầu, do đó, Bộ GTVT có ủng hộ các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực hàng không nhưng phải đảm bảo an toàn, phù hợp với nhu cầu phát triển giao thông. Sự xuất hiện của các hãng bay mới cũng sẽ mang lại lợi ích cho người sử dụng, giá cả sẽ tốt hơn cho hành khách".

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: "Việc cấp phép cho các hãng bay mới đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Bộ GTVT có quy trình chặt chẽ cấp phép cho hãng hàng không mới ra đời. Trường hợp của Bamboo Airways là một ví dụ, họ đã mất hơn 1 năm mới hoàn thiện xong thủ tục để được cấp phép bay".

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay, hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện nên khi cấp phép phải xem xét kỹ. Trong đó, có yếu tố dự phòng mở hãng với nhu cầu thị trường đánh giá trên cơ sở tăng trưởng để đáp ứng tốt hơn, xem xét phù hợp lộ trình năng lực cảng hàng không (CHK) và năng lực quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt hãng mới mở phải xem xét kỹ về tính cạnh tranh, lộ trình đầu tư, điểm đến.

Thế Anh
Cùng chuyên mục