Dự báo nguy cơ thị trường bất động sản tiếp tục thiếu hàng
Nguy cơ thiếu nguồn cung
Tại Hội nghị gặp mặt hội viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) năm 2019 diễn ra vừa qua, ông Nguyễn Trần Nam - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch VNRea chia sẻ, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đồng thời cũng là quốc gia có sự gia tăng nhu cầu về nhà ở tại các khu đô thị hàng đầu trong khu vực.
Sự di dân kết hợp với tăng trưởng dân số tự nhiên tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở tại các đô thị như Hà Nội và TP.HCM. Thế nhưng, từ đầu năm 2019, số lượng dự án mở bán mới ra thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay, chẳng hạn như tại TP.HCM chỉ có 3 dự án mới được ra mắt trong 6 tháng qua. Như vậy, dự báo nguy cơ tiếp tục thiếu hàng thời điểm cuối năm 2019 và trong trung hạn (2020 - 2022).
Cũng theo ông Nguyễn Trần Nam, điểm sáng thị trường trong trung và dài hạn là phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp đón làn sóng đầu tư mới.
“Có thể nói, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hiện có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế, nhất là trong bối cảnh các bộ ngành và địa phương đang tích cực thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, lượng khách du lịch đang tăng trưởng tốt”, ông Nam nhấn mạnh.
Xu hướng đầu tư vào phân khúc này phải nhằm vào tầng lớp trung lưu đang phát triển rất nhanh. Trong trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5 - 7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ và khách du lịch trong nước khoảng 85 triệu người có thời gian nghỉ từ 3 - 4 ngày, Việt Nam cần thêm hàng chục ngàn phòng khách sạn cao cấp.
Trong khi đó, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển dần trở thành một trong những địa điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.
Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Thị trường đứng trước thách thức, khó khăn
Kết thúc quý II/2019, những báo cáo từ các tổ chức nghiên cứu thị trường đều cho thấy, bức tranh bất động sản đã không còn là màu hồng khi lượng cung đưa ra thị trường ngày càng trở nên khiêm tốn. Những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt ngày càng chất chồng khi thủ tục về vấn đề pháp lý chưa được giải quyết cũng như việc thu hút vốn.
Nhận định về bức tranh chung của thị trường bất động sản cuối năm 2019, Tại tọa đàm “Đón sóng cổ phiếu Bất động sản, Xây dựng cuối năm 2019”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, từ sau ngày 7/3/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành công văn chỉ đạo rà soát các dự án có sử dụng đất công trong phạm vi toàn quốc, thị trường bất động sản đứng trước những thách thức và khó khăn rất lớn.
Về mặt quy luật, thị trường có độ trễ và trong thực tiễn 7 tháng đầu năm 2019 thể hiện rất rõ những khó khăn của thị trường bất động sản. Khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay chưa tác động đến cục diện nền kinh tế - tác động lan tỏa cần quan ngại là chưa đến mức độ nghiêm trọng.
Cũng theo báo cáo của ông Châu, năm 2017, thị trường bất động sản tăng trưởng 4,07% so với năm 2016, năm 2018 thị trường bất động sản sụt giảm. 6 tháng đầu 2019 toàn bộ thị trường sụt giảm 34% về quy mô, trong đó riêng sụt giảm về dự án bất động sản là 29%, sụt giảm căn hộ đưa ra thị trường 34%. Trong phần sụt giảm căn hộ đưa ra thị trường, phân khúc cao cấp giảm 44%, căn hộ vừa túi tiền giảm 34%, không có dự án bất động sản bình dân nào đưa ra thị trường trong quý II.
Riêng tại TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm, Sở Xây dựng chỉ trình cho UBND TP.HCM có 3 dự án mới về quyết định chủ trương đầu tư, giảm hơn 80%; 10 dự án công nhận chủ đầu tư dự án, giảm 82%; 24 dự án đủ điều kiện huy động vốn. 7 tháng đầu năm, nguồn thu ngân sách nhà nước từ bất động sản giảm hơn 60%.
Thị trường bất động sản không chỉ chứng kiến sự sụt giảm về lượng dự án cung ra thị trường mà còn đang ghi nhận nguồn vốn đầu tư trực tiếp vào thị trường giảm sút.
Hiện tại, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường bất động sản 6 tháng đạt hơn 225,9 triệu USD, chiếm 43% tổng nguồn vốn FDI mới. Bất động sản trở thành nhóm ngành thu hút vốn FDI, và có những ý kiến quan ngại. “Chúng ta cần nhìn nhận giá trị đầu tư FDI vào bất động sản thấp, chỉ hơn 225 triệu USD. Điều này cho thấy sự sụt giảm thu hút vốn FDI ở các khu vực khác như sản xuất”, lãnh đạo của HoREA lý giải./.