Dự thảo Thông tư về nông nghiệp hữu cơ không phù hợp tinh thần cải cách
Trồng rau hữu cơ. Ảnh minh họa.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 3327/BNN-CBTTNS ngày 14/05/2019 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ
Điều 3.1 của Dự thảo hiện quy định tổ chức chứng nhận đăng ký hoạt động tuỳ vào lĩnh vực mà nộp hồ sơ tại một trong bốn đơn vị gồm: (1) Tổng cục Thuỷ sản; (2) Tổng cục Lâm nghiệp; (3) Cục Trồng trọt; (4) Cục Chăn nuôi.
Theo VCCI, việc chia thành 4 lĩnh vực với 4 cơ quan như vậy sẽ khiến việc thực hiện thủ tục hành chính trở nên rất phức tạp, không phù hợp với tinh thần cải cách hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Ví dụ, một tổ chức xin phép cung cấp dịch vụ chứng nhận trong lĩnh vực trồng trọt có thể sẽ nộp nhầm đến Tổng cục Lâm nghiệp, hoặc khi có một lĩnh vực nào đó chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khách nhau thì rất dễ dẫn đến tình trạng đùn đẩy, không cơ quan nào chịu nhận hồ sơ.
Hơn nữa, 4 lĩnh vực được ghi trong Dự thảo lại không khớp với các lĩnh vực được ghi trong các tiêu chuẩn kỹ thuật. Cụ thể, Phần 4 của Tiêu chuẩn 11041 chỉ chia 3 lĩnh vực là chăn nuôi, trồng trọt và thuỷ sản, còn Tiêu chuẩn 12134 lại chia 4 lĩnh vực gồm chăn nuôi, trồng trọt, thuỷ sản và chế biến.
Nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng chỉ có một đầu mối nhận và trả hồ sơ (có thể phân công cho một cơ quan thuộc bộ như Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường hay Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản…).
Toàn bộ việc gửi, lấy ý kiến giữa các cơ quan trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là công việc nội bộ của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp không cần phải thay đổi địa điểm nộp hồ sơ, trả kết quả.
Cấp lại Giấy chứng nhận
Điều 3.3 của Dự thảo yêu cầu tất cả các tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo Nghị định 107/2016/NĐ-CP trước khi Nghị định 109/2018/NĐ-CP phải cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động theo Nghị định 109/2018/NĐ-CP.
Quy định này, theo VCCI là không hợp lý vì đã đặt ra nghĩa vụ hành chính có tính hồi tố đối với các tổ chức đã được cấp phép. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng, các Giấy phép đã được cấp theo Nghị định 107 trường ngày Nghị định 109 có hiệu lực thì vẫn có giá trị cho đến hết thời hạn của Giấy phép đó.
Bảo đảm thời gian thủ tục hành chính
Dự thảo đưa ra thủ tục hành chính tương đối phức tạp, với sự tham gia của nhiều đơn vị trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Kinh nghiệm thực hiện của nhiều thủ tục hành chính khác cho thấy, khi các cơ quan nhà nước phải lấy ý kiến lẫn nhau hoặc phụ thuộc vào cơ quan khác khi làm thủ tục sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng chậm, quá thời hạn xử lý thủ tục hành chính. Các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận và trả hồ sơ vẫn lấy lý do là phải đợi cơ quan khác trả lời thì mới trả lời doanh nghiệp được.
Để tránh nguy cơ này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng: Quá thời hạn lấy ý kiến nếu cơ quan được lấy ý kiến không phản hồi thì được xem là đồng ý và phải chịu trách nhiệm liên đới; Toàn bộ việc phối hợp giữa các cơ quan trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không được phép làm ảnh hưởng đến thời hạn xử lý thủ tục hành chính, trả lời doanh nghiệp; Không được phép lấy lý do chờ cơ quan khác trả lời để từ chối hoặc chậm trả lời kết quả thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.