"Đũa thần" lãi suất của FED cũng không đủ để cứu kinh tế Mỹ trước chiến tranh thương mại?
Các nhà phân tích kinh tế dự đoán, ngay cả khi Cục dự trữ liên bang Mỹ giảm bớt lãi suất để hồi phục nền kinh tế sau tác động của lệnh trừng phạt và trả đũa thế quan với Trung Quốc, thì hiệu quả của chính sách nhiều khả năng vẫn bị hạn chế.
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ
“Cách tốt nhất là Mỹ nên giải quyết các vấn đề trên bàn đàm phán và chấm dứt sử dụng thuế quan như một công cụ chiến tranh thương mại” - Nathan Sheets, nhà kinh tế học đứng đầu lĩnh vực nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu tại PGIM Fixed Profit cho hay hôm 6.6.
“Các chính sách tiền tệ từ FED có thể giảm thiểu một số nguy cơ cho nền kinh tế, nhưng không ai có thể chắc FED sẽ nhanh chóng thúc đẩy các giải pháp này. Thậm chí, tôi không biết chính sách giảm lãi suất từ FED có đủ đáng kể để bù đắp các tác động lớn lao từ chiến tranh thương mại hay không.”
“Giải pháp đúng đắn lúc này là một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, một thỏa thuận thuế quan giữa Mỹ và Mexico”.
Thậm chí, ngay cả khi FED nỗ lực hết sức để cứu vãn nền kinh tế, chưa thể chắc chắn những chính sách có đủ “nới lỏng” để bù đắp tổn thất từ những lệnh trừng phạt thuế quan tiếp theo mà ông Trump đang đe dọa.
Trước đó, hôm 4.6, ông Jerome Powell - Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tiết lộ Ngân hàng Trung Ương hiện đang sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang vô cùng trông chờ mức giảm lãi suất từ FED. “Ngân hàng Trung Ương đang theo dõi sát sao các biến động của nền kinh tế, và sẵn sàng cho những hành động cần thiết để duy trì sự phát triển của nền kinh tế”.
Tiết lộ của ông Powell nhanh chóng mở ra nhiều kỳ vọng cho các nhà đầu tư, khiến thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến những sự tăng trưởng đầy lạc quan.
Tuy nhiên, rất nhiều nhà phân tích lo ngại chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục kéo dài và cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump với ông Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tới đây sẽ không mang đến tiến triển đáng kể nào. Cùng với đó, căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và Mexico do vấn đề dân nhập cư bất hợp pháp cũng đang trở thành mối quan ngại cho nền kinh tế toàn cầu.
Hôm 5.6, Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra cảnh báo các lệnh trừng phạt thuế quan giữa Mỹ và Mexico hay Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ làm giảm khoảng 0.5% sản lượng kinh tế toàn cầu trong năm 2020. IMF cũng điều chỉnh lại các dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những quý gần đây khi thị trường chứng khoán liên tục rớt điểm vì quan ngại chiến tranh thương mại kéo dài gây suy thoái kinh tế.