Gặp khó tại Mỹ và EU, DN Trung Quốc quay về thị trường Đông Nam Á

20/10/2020 15:28 GMT+7
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên đỉnh, chi phí sản xuất và kinh doanh trong nước leo thang là một trong hàng loạt yếu tố đang thúc đẩy các công ty Trung Quốc tìm kiếm những cơ hội đa dạng hóa hoạt động tại một số thị trường khác như Singapore nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Gặp khó tại Mỹ và EU, DN Trung Quốc quay về thị trường Đông Nam Á - Ảnh 1.

Hàng loạt DN Trung Quốc lên kế hoạch đổ tiền vào thị trường Singapore khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang

Mới tháng trước, đại gia công nghệ Trung Quốc Tencent Holdings đã xác nhận kế hoạch mở văn phòng mới ở Singapore như một phần kế hoạch mở rộng hoạt động ở Đông Nam Á. Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba cũng đang đàm phán về khoản đầu tư trị giá 3 tỷ USD vào Singapore. Theo nhiều nguồn tin, ByteDance, nhà phát triển ứng dụng chia sẻ video TikTok phổ biến toàn cầu hiện đang có kế hoạch đầu tư “vài tỷ USD” vào một trung tâm dữ liệu ở quốc gia Đông Nam Á này.

Các nhà phân tích cho rằng đây là những tín hiệu khởi đầu cho một làn sóng đầu tư công nghệ từ Trung Quốc vào Singapore trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và lan sang lĩnh vực công nghệ.

Không riêng Singapore, khu vực Đông Nam Á rộng lớn hơn hiện được xem là trọng tâm của chiến lược “China Plus One” - chiến lược đa dạng hóa, loại trừ rủi ro cho chuỗi cung ứng; đồng thời tiếp cận với các kênh kinh doanh và các nguồn lực mới song song với việc khai thác cơ hội tại thị trường Trung Quốc. 

Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2019, các công ty Trung Quốc đã đầu tư khoảng 1,78 tỷ USD vào hàng loạt dự án khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á bao gồm ứng dụng đặt phòng và giao hàng trực tuyến Easy Parcel của Malaysia và công ty thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia.

Gặp khó tại Mỹ và EU, DN Trung Quốc quay về thị trường Đông Nam Á - Ảnh 2.

ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2020

Wang Yanbo, chuyên gia chiến lược và chính sách tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nhận định yếu tố địa chính trị bất ổn là cơ sở thúc đẩy việc chuyển hướng các kế hoạch mở rộng của doanh nghiệp Trung Quốc. Trước đó, họ muốn mở rộng sang các thị trường như Mỹ và Châu Âu. Nhưng căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và sự không chắc chắn về lập trường của EU đã làm thay đổi đích đến các kế hoạch mở rộng. 

“Bối cảnh địa chính trị buộc các doanh nhân Trung Quốc, đặc biệt là những người có tham vọng toàn cầu, phải suy nghĩ lại về chiến lược mở rộng của họ”. Trong hoàn cảnh như vậy, khối các nước Đông Nam Á ASEAN, đặc biệt là Singapore trở thành lựa chọn tiềm năng nhất. Rất nhiều CEO từ các công ty hàng đầu Trung Quốc đang để mắt đến việc thâm nhập thị trường lân cận này. 

Trong số các quốc gia ASEAN, Singapore trở thành lựa chọn nổi bật hơn cả. Cơ sở hạ tầng phát triển đã đưa nó thành bệ phóng khả thi cho các công ty Trung Quốc muốn thâm nhập thị trường ASEAN. Trên hết, Singapore có một nền kinh tế ổn định, cởi mở và liên kết toàn cầu hóa, điều này có thể mang đến cho các công ty Trung Quốc danh xưng “công ty toàn cầu” - theo ông Ramkishen Rajan, một nhà kinh tế có tiếng tại Singapore. “Singapore sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi về kinh doanh như mức thuế thấp, nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường pháp quyền ổn định cởi mở và luật sở hữu trí tuệ chặt chẽ”.

Lau Kong Cheen và Vanessa Liu, hai chuyên gia cấp cao về vấn đề Trung Quốc tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore nhận định Trung Quốc đang tăng cường chiến lược “China Plus One” để tăng cường sức mạnh nội tại của quốc gia, đồng thời mở rộng một số hoạt động nhất định ở một số thị trường khác. Và Singapore là một trong những địa điểm trong tầm ngắm của chiến lược “China Plus One”. Các báo cáo chỉ ra rằng một làn sóng đầu tư công nghệ khổng lồ xuất phát từ Trung Quốc đang ập đến đảo quốc sư tử biển.


 

NTTD
Cùng chuyên mục