Giá dầu, giá điện và áp lực lạm phát

11/04/2019 10:40 GMT+7
Giá dầu liên tục tăng mạnh trong 5 tuần qua có thể sẽ có những ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Giá dầu leo thang, gia tăng áp lực lạm phát

Giá dầu trên thị trường thế giới vào đầu tuần này (ngày 8/4) đã ở mức tăng cao nhất trong vòng 5 tháng qua, ở mức 63,47 USD/thùng đối với dầu WTI và 70,72 USD/thùng đối với dầu Brent.

Nguyên nhân có nhiều, như việc Nga và OPEC cắt giảm sản lượng, tín hiệu tích cực từ tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung, xung đột ở Libya...

Giá dầu được dự báo tiếp tục duy trì, thậm chí tăng cao hơn trong thời gian tới. Theo dự báo của Citigroup tương quan cung - cầu có thể đẩy giá dầu lên 75 - 80 USD/thùng trong nửa cuối năm nay.

Nếu giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, thì giá xăng dầu trong nước chắc chắn sẽ được điều chỉnh tăng theo.

Giá dầu trên thị trường thế giới tăng cao đã khiến liên bộ Công thương - Tài chính, lần thứ hai trong năm, phải điều chỉnh giá xăng dầu vào đầu tháng 4/2019. Theo đó, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.377 đồng, lên mức 18.588 đồng; xăng RON 95 tăng 1.484 đồng, lên mức 20.033 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng 1.086 - 1.219 đồng/lít, kg, tuỳ loại. Đây là mức tăng được cho là khá “sốc”.

Nếu giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, thì giá xăng dầu trong nước chắc chắn sẽ được điều chỉnh và điều này sẽ gia tăng áp lực lên mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh giá điện cũng vừa được điều chỉnh tăng cách đây chưa lâu.

Trao đổi về nỗi lo này, ông Đặng Công Khôi, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định, nếu giá xăng dầu thế giới tăng 5%, thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 sẽ tăng 3,4% so với năm 2018. Nếu mức tăng giá xăng dầu là 10%, thì mức tăng CPI sẽ là 3,7%; còn nếu xăng dầu tăng 15%, CPI sẽ tăng 3,8 - 3,9%.

“Kịch bản này đã được Bộ Tài chính báo cáo với Ban Chỉ đạo điều hành giá và đã được thống nhất là sẽ điều hành giá xoay quanh 3 kịch bản nêu trên”, ông Khôi cho biết.

Như vậy, dù có gây áp lực lên giá cả thị trường, song việc giá xăng dầu tăng sẽ không ảnh hưởng quá lớn tới mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong năm nay.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, giá dầu năm nay sẽ tăng không quá lớn, chỉ khoảng 3 - 5% so với mức trung bình 68 USD của năm ngoái, lên 70 - 72 USD/thùng trong năm nay. Do vậy, áp lực lên lạm phát không quá cao.

Trước đó, khi công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế châu Á, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng ADB tại Việt Nam cũng cho rằng, các tác động của tăng giá xăng dầu và giá điện sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến áp lực lạm phát của Việt Nam.

Hệ lụy nào tới kinh tế Việt Nam?

Dù áp lực lên lạm phát không quá lớn, nhưng đó là trong trường hợp giá dầu không tăng quá cao so với năm ngoái. Còn nếu tăng mạnh, thì câu chuyện lại khác.

“Cái khó nhất bây giờ là dự báo giá dầu như thế nào, bởi tính không kiên định, nhất quán về nguồn cung dầu trên thị trường thế giới. Vì vậy, vẫn phải theo dõi, bám sát giá dầu để có kịch bản điều hành cho phù hợp”, ông Lực nói.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà trong các báo cáo kinh tế trình lên Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn nhấn mạnh “ẩn số giá dầu” và có những cảnh báo về việc cần phải sát sao theo dõi sự trồi sụt của mặt hàng có tác động lớn không chỉ giá cả thị trường, mà còn mọi mặt của đời sống kinh tế này.

“Việt Nam đang nhập siêu 4 - 5 tỷ USD xăng dầu/năm, do vậy, nếu giá dầu tăng quá cao thì sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế. Nếu giá dầu giảm, thì chúng ta sẽ có lợi hơn”, ông Cấn Văn Lực nhận định.

Mặc dù vậy, trên thực tế, giá dầu tăng sẽ có lợi cho ngành dầu khí trong nước. Hiện tại, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2019, ngành khai khoáng giảm 2,1%, chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 6,2%, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Giá dầu tăng sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của ngành này.

Tuy nhiên, theo ông Cấn Văn Lực, cái lợi không quá lớn, bởi kinh tế Việt Nam ngày càng giảm sự phụ thuộc vào khai khoáng. Năm ngoái, ngành khai khoáng tăng trưởng âm 3,11%, song tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 7,08%.

Ở một góc độ khác, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân cho rằng, cái đáng lo nhất hiện nay là nếu giá dầu tăng sẽ tác động tới giá cả các mặt hàng nguyên phụ liệu, làm gia tăng chi phí đầu vào, gây áp lực tới lạm phát và sản xuất trong nước. Tuy vậy, theo ông Ân, khả năng giá dầu tăng đột biến là rất khó.

“Với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, áp lực đối với lạm phát không quá lớn, ngoài yếu tố giá dầu. Dù giá xăng dầu có tăng, thì áp lực lên lạm phát không quá lớn, do vậy, đây là cơ hội để điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường. Tất nhiên, phải chọn thời điểm phù hợp, không nên tăng giá cùng lúc”, ông Ân nói. Ông Ân cũng cho rằng, với các nguyên liệu đầu vào, phải kiểm soát tốt để tránh tình trạng “té nước theo mưa”.

Chính phủ có thể kiểm soát lạm phát năm 2019 ở mức 3,3 - 3,9%

Tại phiên họp của Ban điều hành giá vào cuối tháng 3 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định, Chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát của năm 2019 ở mức 3,3 - 3,9%, vượt yêu cầu của Quốc hội. Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành phải tính toán điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ công y tế, giáo dục theo tín hiệu của thị trường.

Phó thủ tướng yêu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động nắm bắt thông tin về diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước, kết hợp với trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý để bình ổn giá trong thời điểm giá thế giới có biến động bất thường, không ảnh hưởng tới kỳ vọng về lạm phát; tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch chi phí đầu vào của giá điện, kết quả sản xuất - kinh doanh điện theo quy định.

 
Theo Báo Đầu tư
Cùng chuyên mục