Giá dầu về đâu nếu Biden đắc cử Tổng thống Mỹ?

09/10/2020 19:24 GMT+7
Giới quan sát nhận định một nhiệm kỳ của Biden nếu ông này đắc cử Tổng thống Mỹ có thể khiến nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu tăng vọt khoảng 1 triệu thùng/ ngày.
Giá dầu về đâu nếu Biden đắc cử Tổng thống Mỹ? - Ảnh 1.

Biden đắc cử Tổng thống Mỹ: kịch bản không vui cho thị trường dầu

Nhà phân tích David Fyfe (Argus Media) nhận định ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden nhiều khả năng sẽ tái thiết lập quan hệ với Tehran trong trường hợp ông này thắng cử trong Ngày bầu cử Mỹ 3/11 tới đây. “Điều này có thể mở đường cho hàng triệu thùng dầu từ Iran quay lại thị trường”. Một kịch bản như vậy sẽ phá hoại nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu mà OPEC và các đồng minh bao gồm Nga theo đuổi lâu nay để bình ổn giá dầu. Iran hiện đang chịu cấm vận dưới thời Tổng thống Trump và bị hạn chế xuất khẩu dầu ra thị trường quốc tế.

“Kịch bản như vậy có thể không xảy ra lập tức, nhưng bạn sẽ chứng kiến nó xảy ra trong vòng 6 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Biden”.  Hiện cuộc thăm dò cử tri mới nhất của NBC News trước thềm bầu cử cho thấy Biden dẫn trước Trump với tỷ lệ ủng hộ 51,6%, vượt Trump hơn 10 điểm phần trăm.

Một chính sách khác của Biden cũng khiến các nhà sản xuất dầu thô Mỹ lo lắng, đó là nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu mà Đảng Dân chủ theo đuổi. Biden đã tuyên bố sẽ đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức Tổng thống nếu ông thắng cử. Ông cũng khẳng định sẽ hỗ trợ phát triển các ngành năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… Về lâu dài, điều này sẽ gây nên sự suy giảm đáng kể nhu cầu dầu thô Mỹ trong tương lai.

Năm ngoái, Biden đã công bố một kế hoạch trị giá 1,7 nghìn tỷ USD để đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu năng lượng sạch. Theo David Fyfe, Biden cũng có khả năng sẽ áp đặt thêm một số hạn chế làm chậm lại tốc độ tăng trưởng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ.

Giá dầu phục hồi trở lại mốc 50-55 USD vào cuối năm 2021?

David Fyfe nói thêm rằng trong trung hạn, thị trường dầu mỏ sẽ phục hồi ổn định nếu tình hình dịch Covid-19 không diễn biến tồi tệ thêm dẫn đến tình trạng đóng cửa kinh tế diện rộng thêm một lần nữa.

Từ đầu năm đến nay, giá hợp đồng tương lai dầu thô đã sụp đổ nghiêm trọng, có thời điểm rơi xuống mức âm khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 tấn công nhu cầu dầu và làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung. Nhưng theo ông David Fyfe, nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu chứng kiến dấu hiệu phục hồi. Nếu tình hình dịch bệnh không trầm trọng thêm, thị trường dầu mỏ sẽ phục hồi tương ứng.

“Dần dần theo thời gian, 1,3 tỷ thùng dầu tồn đọng trong các kho tích trữ toàn cầu sẽ giảm bớt vào cuối năm 2021, theo đó đưa giá dầu phục hồi trở lại mức 50-55 USD”.

“Trong trường hợp chúng ta chứng kiến làn sóng dịch bệnh tiếp theo khiến nền kinh tế trì trệ trên diện rộng, tất cả những kỳ vọng sẽ tắt lịm và OPEC chắc chắn sẽ cố gắng tìm kiếm thêm một thỏa thuận cắt giảm nguồn cung” - ông Fyfe nói thêm.

Hồi tháng 4, OPEC và các đồng minh bao gồm Nga đã đồng ý thông qua thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục lên tới 9,7 triệu thùng/ ngày khi tình trạng dư cung trầm trọng khiến các kho chứa dầu trên toàn cầu gần tràn và nhu cầu dầu chạm đáy.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục