Giá lúa tăng mạnh do sốc thị trường hay tăng bền vững?

17/12/2023 08:01 GMT+7
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khá mạnh, trong đó gạo 5% tấm đạt 653 đô la Mỹ/tấn, cao hơn đáng kể so với giá gạo cùng loại của Thái Lan là 560 đô la/tấn và gạo Pakistan là 563 đô la/tấn.
Giá lúa tăng mạnh do sốc thị trường hay tăng bền vững? - Ảnh 1.

Việt Nam nên tận dụng tình hình các nước xuất khẩu gạo hàng đầu điều chỉnh chính sách xuất khẩu gạo để xây dựng thương hiệu cũng như mở rộng thị trường cho gạo chất lượng cao. Ảnh: H.P

Giá gạo 25% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 638 đô la/tấn, trong khi của Thái Lan là 520 đô la/tấn và của Pakistan là 488 đô la/tấn. Câu hỏi đặt ra là giá gạo tăng do sốc thị trường hay xu thế tăng bền vững.

Để trả lời câu hỏi này phải nhìn vào dự báo lâu dài về cung – cầu và giá lúa, gạo của 75 nước sử dụng gạo trên thế giới.

Tổng sản lượng gạo toàn cầu dao động trong khoảng 500-550 triệu tấn, trong đó lượng gạo đưa vào thị trường toàn cầu khoảng 10%, tức khoảng 50 triệu tấn vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng lên 59 triệu tấn gạo vào năm 2030 (bảng 1). Các nước xuất khẩu gạo chính là Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Myanmar và Campuchia. Nước nhập khẩu nhiều nhất hiện nay là Trung Quốc sẽ có mức nhập tương đối ổn định; nhu cầu nhập khẩu gạo sẽ tăng cao ở các nước thuộc khu vực Tây Phi, Trung Đông, cùng với Indonesia và Philippines.

Về giá cả, dự báo giá gạo sẽ tăng bình quân khoảng 1,4%/năm vì nhu cầu tăng cao hơn là sản lượng sản xuất. Năm 2022 và 2023, chính sách giảm xuất gạo của Ấn Độ và Thái Lan cộng với nhu cầu nhập tăng ở Tây Phi, Trung Đông, Indonesia và Philippines, xung đột giữa Nga và Ukraine làm ảnh hưởng nặng tới nguồn cung lúa mì là những yếu tố tác động đẩy giá gạo lên cao.

Tất nhiên, để có câu trả lời chính xác giá gạo thời gian qua tăng là bất thường hay xu thế tăng bền vững thì cần theo dõi tiếp chính sách lúa gạo của nhóm nước xuất khẩu và nhóm nước nhập khẩu quan trọng, nhưng từ những thông tin phân tích ở trên, việc tăng giá này là do sốc thị trường nhiều hơn.

Dù giá cả thị trường gạo thời gian vừa qua là bất thường, nhưng Việt Nam vẫn có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng thêm thị trường cho mặt hàng gạo, nhất là ở thị trường gạo cao cấp.

Giá lúa tăng mạnh do sốc thị trường hay tăng bền vững? - Ảnh 2.

Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện chương trình trồng 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, nên việc tận dụng tình hình các nước xuất khẩu gạo hàng đầu như Thái Lan, Ấn Độ điều chỉnh chính sách xuất khẩu gạo để xây dựng thương hiệu cũng như mở rộng thị trường cho gạo chất lượng cao Việt Nam là việc cần tập trung thực hiện.

Ở phân khúc gạo cao cấp, có giá từ 1.000 đô la/tấn trở lên, châu Âu, Mỹ và Trung Đông hiện là những thị trường chính Việt Nam cần quan tâm (hình 1).

Ấn Độ hiện đang chiếm thị phần lớn nhất ở phân khúc gạo cao cấp này, chiếm khoảng 52% về lượng và 56% về giá trị; kế tiếp là Thái Lan khoảng 20% về lượng và 22% về giá trị; Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 về lượng, với 14%, nhưng lại xếp thứ 4 về giá trị (9%), sau Pakistan (11%).

Ở phân khúc gạo trắng hạt dài chất lượng cao, gạo Việt Nam hiện đang có giá cao hơn các đối thủ cạnh tranh chính là Thái Lan và Pakistan, nhưng vẫn thấp hơn gạo Mỹ và cao hơn các nước xuất khẩu khác. Vấn đề là Việt Nam giữ được ưu thế về giá này trong bao lâu, nhất là sau khi Thái Lan thay đổi chính sách để trở lại với đường đua xuất khẩu.

Ở phân khúc gạo phẩm cấp này Việt Nam sẽ cạnh tranh quyết liệt với Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và một đối thủ đang lên khác là Myanmar.

(*) Chuyên gia phân tích chính sách công

PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh (Theo Kinh tế Sài Gòn)
Tags:
Cùng chuyên mục