Giá nhãn bằng 1/2 năm ngoái, do tiêu thụ chậm?

20/08/2020 18:39 GMT+7
Dịch Covid - 19 lần hai bùng phát vào đúng thời điểm thu hoạch nhãn đã khiến cho sức tiêu thụ của loại quả này bị ảnh hưởng nặng nề.

Giá nhãn rẻ bằng nửa năm ngoái

Nếu như cùng kỳ năm ngoái, để mua 1kg nhãn, người tiêu dùng phải bỏ ra từ 30-35.000 đồng/kg. Thậm chí với những loại nhãn ngon, đặc sản, số tiền có thể gấp nhiều lần. Nhưng năm nay, nhãn được bán dọc đường phố, thậm chí là bán luôn trên xe tải chở hàng với giá rất rẻ.

Giá nhãn bằng 1/2 năm ngoái, do thúc tiến tiêu thụ chậm? - Ảnh 1.

Nhãn được bày bán trên đường phố Hà Nội

Theo khảo sát của Etime, hiện nhãn được bán với giá trung bình 15-20.000 đồng/kg, nhãn lồng Hưng Yên loại I ngon, cùi dày thì được giá cũng chỉ bằng ½ năm ngoái. Tuy giá rẻ là vậy nhưng tình hình tiêu thụ lại rất chậm.

Chị Thanh – tiểu thương bán hoa quả tại chợ Cầu Giấy cho biết: "Chưa năm nào nhãn mất giá như năm nay. Mà hiện còn đúng mùa mưa, dịch nên hàng hóa ế ẩm, dù rẻ cũng ít người mua. Mà nhãn để lâu thì ủng, thối, không ăn được nên mấy người bán ở đây không dám nhập nhiều. Mỗi ngày bán được vài chục cân nhãn đã là tốt. Nhãn là loại quả nóng, nên người ta cũng chỉ mua 1-2 cân/ lần".

Tiêu thụ trong nước chậm, xuất bán sang nước ngoài còn tắc nghẽn hơn. Hiện thị trường chính của nhãn vẫn là Trung Quốc. Thời gian này năm ngoái, thương lái có thể đến tận vườn để thu mua nhãn tươi, hay long nhãn (quả từ những cây lâu năm được bỏ vỏ, hạt, sấy khô). Nhưng năm nay rất ít. Phần vì dịch, phần vì thị trường cũng nhiều biến động, giá cả không ổn định nên họ cũng không dám thu mua nhiều.

Bán tại vườn thì giá rẻ, nhiều nhà vườn tại Hưng Yên đành tự mình hái, mang ra chợ hay bán online, mong gỡ được phần nào vốn.

Chị Huỳnh Thư (một địa chỉ online đang rao bán nhãn lồng Hưng Yên) cho biết, gia đình chị có tới hơn 6ha trồng nhãn. Tới thời điểm hiện tại nhãn bắt đầu chín đều nhưng lượng tiêu thụ rất ít, chủ yếu là bán lẻ. Nhiều lái buôn, hệ thống doanh nghiệp hay siêu thị có đầu mối liên hệ nhưng chưa thực hiện ký hợp đồng tiêu thụ do lo ngại những diễn biến phức tạp của dịch bệnh sẽ khiến khả năng tiêu thụ thấp.

"Mùa nhãn năm nay sẽ khó khăn với nhiều người trồng nhãn vì sức mua của thị trường trong nước giảm, xuất khẩu thì gặp trở ngại. Gia đình đang cố gắng tăng cường các kênh bán lẻ để tiêu thụ", chị Huỳnh Thư cho biết.

Việc tiêu thụ nhãn phụ thuộc vào diễn biến của dịch

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên cho biết, sản lượng nhãn trong toàn tỉnh Hưng Yên ước đạt khoảng 50.000 tấn. Cho đến nay, lượng nhãn tiêu thụ đạt khoảng 70% sản lượng, chỉ còn khoảng 18.000-20.000 tấn (là nhãn muộn, chủ yếu bán thị trường nội địa và Trung Quốc). Số lượng này ngoài xuất bán tươi sẽ được chế biến sấy khô (đã bán được khoảng 100 tấn) và long nhãn.

Giá nhãn bằng 1/2 năm ngoái, do thúc tiến tiêu thụ chậm? - Ảnh 2.

Tại các địa chỉ online giá long nhãn rao bán chỉ 155 - 170.000/kg. Trong khi năm 2019, giá long nhãn luôn dao động ở mức 350 - 400.000 đồng/kg.

Theo ước lượng của ông Thơ, giá nhãn chỉ thấp, tụt khoảng 10 -15% so với cùng  kỳ năm trước do đúng vào dịp nhãn bán thuận lợi thì bùng phát đợt 2 dịch COVID-19. "Khó khăn hiện nay là với các sản phẩm nhãn không được trồng theo tiêu chuẩn Vietgap. Hơn nữa, do dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng đến việc vận chuyển vào miền Trung bị đình trệ" - ông Thơ nói.

Trả lời câu hỏi, việc tiêu thụ nhãn gặp khó khăn có nguyên nhân bị động trước dịch COVID-19 hay không, ông Thơ cho hay: "Từ đầu năm tỉnh đã xây dựng các hoạt động xúc tiến thương mại để tuyên truyền quảng bá. Khi triển khai tiêu thụ (từ 25/7, khi dịch COVID-19 quay trở lại), Sở phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị xúc tiến trực tuyến ngày 13/8". Theo ông Thơ, sau hội nghị, một số cơ sở chế biến đã tiến hành xuất nhãn sấy khô sang thị trường Trung Quốc và doanh nghiệp Trung Quốc đang ở địa phương cùng người Việt mua tại cửa vườn với sản lượng 10 tấn/ngày.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực thu mua nông sản, ngày 13/8 đến nay là thời điểm gần như cuối vụ nhãn, lúc đó nhiều thương lái Trung Quốc hủy hợp đồng tiêu thụ nhãn nên hội nghị xúc tiến nêu trên cũng không mang nhiều ý nghĩa.

Theo báo cáo ngày 13/8 của Sở Công Thương tỉnh Sơn La (một tỉnh mới phát triển vùng trồng nhãn những năm qua nhưng có sản lượng lớn hơn cả Hưng Yên), giá nhãn cũng xuống thấp kỷ lục. Cụ thể, nhãn trên địa bàn tỉnh Sơn La niên vụ 2020 ước đạt 17.397ha (diện tích đã cho thu hoạch là 10.597 ha); sản lượng nhãn ước đạt 94.858 tấn.

Từ đầu vụ đến ngày 13/8, trên địa bàn tỉnh đã tiêu thụ 65.503 tấn; giá nhãn được sở này thống kê dao động từ 5.000 - 8.000 đồng/kg; giá nhãn chọn loại 1 dao động từ 8.000 - 11.000 đồng/kg. Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Sơn La cũng cho biết, việc tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và việc tiêu thụ nhãn (dù không còn nhiều) phụ thuộc vào diễn biến của dịch.  

Giữa mùa nhãn mới xúc tiến thương mại

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Cục đã phối hợp với các ngành khác tổ chức các hoạt động xúc tiến (tổ chức các điểm cầu với tham tán thương mại 8 nước vào ngày 13/8), để giúp bà con tiêu thụ nhãn Hưng Yên và Sơn La.

Theo ông Hòa, năm nay, sản lượng nhãn được mùa nhưng đầu ra bị thắt chặt nên bị giảm giá. Hơn nữa, dịch COVID-19 đang bùng phát, phía khách hàng nhập khẩu rất chặt chẽ trong quy trình kiểm tra hàng qua biên giới, dẫn đến ùn tắc và giảm giá. Ông Hòa cũng thừa nhận, mùa vải vừa qua được tổ chức xúc tiến thương mại ngay từ đầu nên bán khá tốt, còn mùa nhãn đến giữa vụ mới xúc tiến.

Mai Trang
Cùng chuyên mục