Giá thép vẫn tăng không điểm dừng

21/05/2021 06:00 GMT+7
Hiện tại, tuy không phải mùa cao điểm về xây dựng nhưng giá thép liên tục tăng khiến nhiều chủ đại lý và chủ thầu xây dựng gặp khó khăn.

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ quý IV/2020 đến nay, thép xây dựng nhiều lần tăng giá. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, giá thép đang dao động từ 14 - 16 triệu đồng/tấn tùy loại, tăng khoảng 1,3 triệu đồng/tấn so với mức giá quý IV/2020.

Nhận định về tình trạng trên, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) lý giải, hiện nay, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện đa phần phải nhập khẩu như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite...

Trong thời gian gần đây, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19, cùng với đó là việc giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, khiến giá thép trong nước tăng mạnh.

Giá thép vẫn tăng không điểm dừng - Ảnh 1.

Giá thép tại Hà Nội đang dao động từ 14 - 16 triệu đồng/tấn tùy loại, tăng khoảng 1,3 triệu đồng/tấn so với mức giá quý IV/2020.

"Về năng lực nguồn cung đối với sản phẩm thép thì thừa nhưng cung ứng là chuyện khác vì dịch Covid-19 khiến các nhà máy đóng cửa, vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất. Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn, giá thép sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu", đại diện Cục Công nghiệp nhận định.

Trước thực trạng trên, đại diện Bộ Công Thương cũng đã chủ động dự báo tình hình cung - cầu sản phẩm thép và biến động giá cả các sản phẩm thép trên thế giới và tại Việt Nam trong năm 2021 và các năm tới báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Mới đây, tại buổi họp về công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhìn nhận việc giá thép tăng phi mã khiến nhiều DN, nhà thầu xây dựng gặp khó khăn. Phó Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Xây dựng, nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước.

Ngoài ra, các Bộ ngành liên quan cũng phải nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

Về phía VSA, trước diễn biến về tình hình giá thép trong nước gây ra tâm lý lo lắng trong dư luận, mới đây, đơn vị này đã có công văn gửi các doanh nghiệp thành viên khuyến nghị tiếp tục phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục