Giá tiêu hôm nay 13/8: Cao nhất 45.000 đồng/kg, vẫn ảm đạm
Giá tiêu hôm nay ở môt số vùng trọng điểm: Lặng sóng
Khảo sát thị trường cho thấy, giá tiêu hôm nay 13/8 ở các vùng trồng tiêu trọng điểm không có quá nhiều đột biến so với những ngày trước đó, bình quân ở mức 43.000 - 45.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, giá tiêu hôm nay ở Đồng Nai tiếp tục giảm 500 đồng/kg, đạt 43.000 đồng/kg, thấp nhất trong những địa phương trồng tiêu trọng điểm.
Giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn cao nhất vùng, đạt 45.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai đạt 43.000 đồng/kg.
Giá tiêu tại Bình Phước, Đắk Nông (Gia Nghĩa), Đắk Lắk (Ea H'leo) cũng không có sự chuyển biến, chỉ giao động ở mức 44.000 - 44.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay ở Đồng Nai giảm 500 đồng/kg, đạt 43.000 đồng/kg, trong khi giá tiêu hôm nay ở Bà Rịa - Vũng Tàu cao nhất, đạt 45.000 đồng/kg.
Trên thực tế, theo phân tích của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), giá tiêu có xu hướng giảm từ tháng 7/2019. So với tháng 6/2019, giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông và Bà Rịa Vũng Tàu giảm 1.000 đồng/kg, xuống còn 45.000 – 46.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai giảm 500 đồng/kg xuống mức 44.000 đ/kg.
Nguyên nhân khiến giá tiêu giảm chủ yếu do áp lực dư cung tiếp tục tăng khi hai nước sản xuất lớn gồm Indonesia và Brazil đã bước vào vụ thu hoạch, và tồn kho của các nước sản xuất lớn vẫn còn nhiều.
Thêm vào đó, sự suy yếu của đồng tiền Real của Brazil so với đồng USD khiến cho những người sản xuất của nước này có xu hướng bán nhanh sản phẩm tiêu thay vì giữ hàng.
Giá sẽ cải thiện?
Thống kê cho thấy, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 7/2019 ước đạt 24.000 tấn, với giá trị đạt 62 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 201.000 tấn, tương đương 514 triệu USD, tăng 32,5% về khối lượng nhưng giảm 0,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2019 đạt 2.557 USD/tấn, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong nửa đầu năm 2019, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của tiêu Việt Nam, chiếm 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu tiêu của Việt Nam. Tuy nhiên, thị phần của Mỹ và hầu hết các nước khác đều giảm so với cùng kỳ năm 2018, ngoại trừ thị trường Đức.
Mặc dù giá tiêu xuất khẩu đang trong xu hướng giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang Đức vẫn tăng 7,9% trong 6 tháng đầu năm 2019 nhờ lượng xuất khẩu tăng tới 45,1%, góp phần nâng thị phần của thị trường này tăng từ 4,2% lên 4,6%.
Dự báo, giá tiêu thời gian tới sẽ không có biến động mạnh do nguồn cung hạt tiêu trên toàn thế giới vẫn đang được bổ sung, trong khi nhu cầu không có sự tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, trong dài hạn, áp lực dư cung giảm có khả năng hỗ trợ giá tiêu toàn cầu tăng.