Giấc mơ 5G của Châu Á sẽ ra sao nếu Huawei bị “triệt hạ”?
Đông Nam Á là một trong những khu vực trông đợi mạng công nghệ tốc độ cao 5G ra mắt nhất trên thế giới, bởi số lượng người dùng smartphone gia tăng chóng mặt. Các quốc gia Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung được mệnh danh là điểm nóng của kinh tế di động trên thế giới bởi cách họ sử dụng smartphone cho các tiện ích chuyên sâu: ngân hàng, mua sắm, dịch vụ phương tiện giao thông... Và Huawei - nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới là chìa khóa cho công nghệ 5G phủ sóng khắp hành tinh.
Nhưng sự leo thang căng thẳng trong xung đột thương mại Mỹ - Trung liên quan đến lệnh hạn chế thương mại nhắm vào Huawei mới đây đang khiến nhiều người lo ngại về tương lai của công nghệ 5G, thứ được quảng cáo là sẽ làm thay đổi mạng lưới internet toàn thế giới.
Tương lai nào cho Huawei sau lệnh hạn chế thương mại?
Lệnh hạn chế thương mại đang khiến Huawei đối diện nguy cơ sống còn?
Chỉ tuần trước, Huawei trấn an người dùng bằng một tiết lộ cho hay tập đoàn này đã sẵn sàng đối phó với mọi kịch bản hạn chế thương mại từ chính quyền Trump bằng hệ điều hành riêng thay cho Google Android, các bản sao lưu đảm bảo thiết bị di động vẫn hoạt động bình thường dù không có sự hỗ trợ của các công ty viễn thông Mỹ. Giám đốc điều hành Huawei, ông Nhậm Chính Phi cũng tuyên bố lệnh hạn chế thương mại của Mỹ không ảnh hưởng đến tiến trình phát triển mạng 5G của Huawei, và rằng các tập đoàn khác không thể nào theo kịp bước tiến của Huawei trong lĩnh vực 5G trong 2 đến 3 năm tiếp theo.
Chính hứa hẹn này đã khiến người dùng quốc tế nói chung và người dùng Châu Á nói riêng thêm mong chờ vào mạng lưới 5G với tốc độ nhanh gấp 100 lần 4G hiện tại. Mặc dù một số quốc gia Đông Nam Á thậm chí chưa phủ sóng 4G toàn quốc, gần như tất cả các nước trong khu vực vẫn tích cực chuẩn bị cho các cuộc thử nghiệm mạng 5G thế hệ mới. Nhiều quốc gia thậm chí mong muốn phủ sóng 5G ngay trong năm 2020, dù có lẽ phải mất hàng thập kỷ để hoàn thiện mạng lưới công nghệ viễn thông siêu tốc độ này.
Đi ngược lại sự trấn an của Huawei, nhiều chuyên gia phân tích chỉ ra rằng công ty cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới đang đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn về phát triển mạng 5G trong dài hạn; do ảnh hưởng của lệnh hạn chế thương mại từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Lệnh hạn chế này cấm các công ty viễn thông, sản xuất linh kiện điện tử trong nước cung cấp cho Huawei linh kiện, phần mềm, phần cứng và ứng dụng để chế tạo những thiết bị chưa được sự thông qua của chính phủ Hoa Kỳ. Giới phân tích quan ngại, động thái này nhiều khả năng sẽ làm tê liệt chuỗi cung ứng của Huawei, từ đó gây ra các hậu quả dài hạn hơn.
Nhà phân tích Paul Triolo của Eurasia Group chỉ ra: “Rất khó để Huawei vượt qua lệnh hạn chế thương mại của Hoa Kỳ một cách dễ dàng. Kế hoạch triển khai công nghệ 5G trên toàn cầu của hãng đang chịu những ảnh hưởng nhất định tại Châu Âu và có thể sắp tới sẽ là Đông Nam Á.”
Chính phủ Anh đã xác nhận việc nước này sẽ xây dựng mạng lưới công nghệ 5G mà không có sự tham gia của Huawei. Con Rồng Châu Á Singapore cũng có một kế hoạch tương tự để phát triển mạng 5G độc lập.
Sachin Mittal, nhà phân tích viễn thông của DBS Bank cho biết: “Tôi không nhận thấy Huawei có thể gây ra tác động trực tiếp nào đến sự hình thành mạng 5G ở Singapore. Đảo quốc sư tử biển đã trang bị băng thông Internet lên tới 4.5G cho phép nhiều thiết bị truy cập 5G cùng lúc.”
Singapore với kế hoạch phát triển mạng 5G độc lập hoàn toàn không chịu ảnh hưởng từ "sự cố Huawei"
Tất nhiên, Huawei vẫn nhận được sự tín nhiệm của một số quốc gia Châu Á như Philippines mặc cho hàng loạt cảnh báo về nguy cơ an ninh quốc gia. Nhiều quốc gia khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Huawei trong tiến trình xây dựng mạng lưới công nghệ 5G.
Giấc mơ 5G Châu Á có “chết” cùng Huawei?
Câu hỏi lớn nhất hiện nay là: một khi Huawei bị triệt hạ, liệu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như Ericsson, Nokia hay Samsung có thể thay thế gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc viết tiếp giấc mơ 5G?
Đây rõ ràng là một ẩn số.
Trong trường hợp khả quan nhất, chắc chắn sẽ có sự chậm trễ trong việc phát triển mạng lưới 5G tại Châu Á, đặc biệt là ở những quốc gia sử dụng chủ yếu thiết bị điện tử viễn thông Huawei. Các nhà mạng khi đó không chỉ cần thay thế toàn bộ thiết bị hiện có mà còn phải tìm kiếm, hợp tác với một nhà cung cấp khác để duy trì toàn bộ hoạt động. Điều này chắc chắn sẽ tiêu tốn những khoản chi phí khổng lồ.
Một số tập đoàn viễn thông nước ngoài đang xem xét giải pháp hợp tác với nhiều nhà cung cấp khác nhau để giảm thiểu các rủi ro liên quan, như cáo buộc gián điệp và ăn cắp bí mật thương mại Washington nhắm vào Huawei chẳng hạn.
Công nghệ 5G vẫn sẽ phát triển dù không có Huawei, đó là điều chắc chắn. Nhưng một thỏa thuận thương mại thống nhất giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm dỡ bỏ lệnh cấm vận với Huawei sẽ là giải pháp tối ưu để 5G được ứng dụng trong thực tiễn vào một tương lai gần nhất.