Giấc mơ siêu cường công nghiệp của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào Nhật Bản
Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs Group Inc., giá trị lô hàng trong lĩnh vực máy móc của Nhật Bản sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm 2020. Các đơn đặt hàng từ Trung Quốc với sản phẩm máy công cụ Nhật Bản đã tăng đáng kể từ hồi tháng 6 và tăng nhanh từ đó đến nhay. Doanh số bán thiết bị tự động hóa trong nhà máy cũng dự kiến vượt kỷ lục.
Đây là xu hướng đi ngược hoàn toàn những gì diễn ra hai năm về trước, khi Bắc Kinh tăng gấp đôi nỗ lực sản xuất các sản phẩm giá trị cao, rời xa phân khúc hàng hóa tỷ suất lợi nhuận thấp đã gắn bó suốt vài thập kỷ qua. Thời điểm đó, các doanh nghiệp trong nước hầu như không còn đủ sức cạnh tranh trước các doanh nghiệp nước ngoài. Năm 2018, Bộ Thương mại Trung Quốc đã phải mở cuộc điều tra chống bán phá giá kéo dài một năm với các nhà xuất khẩu Nhật Bản về thiết bị sản xuất ô tô, máy móc… Cuộc điều tra kéo dài đến năm 2019, khiến các đơn hàng máy móc chậm lại đáng kể. Cho đến tháng 4/2020, sau gần 2 năm điều tra, quan chức thương mại Trung Quốc xác định không có yếu tố bán phá giá ở đây, tức là các doanh nghiệp máy móc Nhật Bản không phải chịu nghĩa vụ thuế nào.
Sự thay đổi chiến thuật của Bắc Kinh đến trong bối cảnh Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 trong khi các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU vẫn đang trì trệ. Trung Quốc đã dành phần lớn thời gian trong năm 2020 để hoàn thiện các chính sách thúc đẩy nền kinh tế tự lực tự cường, hạn chế sự phụ thuộc vào Mỹ khi căng thẳng địa chính trị toàn cầu lên cao. Một phần quan trọng trong kế hoạch kinh tế 5 năm tiếp theo của Bắc Kinh là tăng cường sản xuất máy móc, con chip và thiết bị 5G cung cấp cho thị trường nội địa. Chính phủ muốn tăng cường sức mạnh chuỗi cung ứng trong nước và duy trì vai trò công xưởng thế giới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong một số lĩnh vực như 5G, không thể phủ nhận Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, quốc gia này sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các công ty Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Ví dụ: các nhà cung cấp Trung Quốc chiếm hơn 80%b thị phần robot tuyến tính sử dụng dụng trong ngành công nghiệp nhựa. Nhưng khi nói đến robot khớp nối phức tạp hơn, nguồn cung chủ yếu cho thị trường Trung Quốc đến từ nước ngoài. Trong đó, Nhật Bản mới là một trong những quốc gia xuất khẩu robot công nghiệp lớn nhất.
Thực tế là vẫn còn một khoảng cách công nghệ đáng kể giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Hơn 75% bộ giảm tốc, một loại thiết bị quan trọng trong sản xuất công nghiệp được Trung Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản, theo các nhà phân tích của HSBC Holdings Plc. Các thành phần này chiếm hơn 1/3 chi phí sản xuất robot công nghiệp tại Trung Quốc. Trong khi con số này ở robot Nhật Bản chỉ là 12%. Tức là các công ty Trung Quốc khó có lợi thế cạnh tranh về chi phí so với các công ty Nhật Bản.
Đối với những gã khổng lồ máy móc công nghệ cao Nhật Bản, tham vọng siêu cường công nghệ của Trung Quốc đồng nghĩa với nhu cầu luôn tồn tại. Nhu cầu từ Trung Quốc sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh và định giá. Ví dụ, Fanuc Corp., có nhà máy sản xuất robot Nhật Bản, đối tác của Apple, mới đây báo cáo doanh số bán hàng tại Trung Quốc đã tăng 29% trong 9 tháng đầu năm 2020. Bất chấp đại dịch đưa nền kinh tế Nhật Bản bước vào suy thoái, khảo sát của Tankan cho thấy các điều kiện cho ngành sản xuất công nghệ cao Nhật Bản ngày càng lạc quan.
Việc Trung Quốc trở thành cường quốc công nghiệp công nghệ cao sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều. Và bất chấp các nguy cơ phong tỏa do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế, Nhật Bản vẫn sẽ giữ được ưu thế trong lĩnh vực công nghệ cao lâu đời. Tức là tham vọng của Trung Quốc sẽ phụ thuộc đáng kể vào Nhật Bản.
(Bài phân tích của bà Anjani Trivedi, chuyên gia công nghiệp châu Á của Bloomberg)