Giấy Tân Mai lỗ lũy kế gần 300 tỷ, nợ gấp 6 lần vốn chủ sở hữu
Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai (Giấy Tân Mai) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 với kết quả thua lỗ. Đồng thời, kiểm toán cũng có nhiều lưu ý đối với công ty này
Cụ thể, doanh thu thuần trong năm 2018 của Tân Mai chỉ đạt trên 27,3 tỷ đồng, giảm 71% so với thực hiện năm 2017. Lợi nhuận gộp thu về chỉ còn 11,1 tỷ đồng, giảm tương ứng 76% từ mức gần 49 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2018, Tân Mai tiếp tục ghi nhận khoản lỗ trong công ty liên doanh liên kết 573 triệu đồng, giảm gần 1 nửa so với năm 2017; Lợi nhuận khác lỗ trên 4,9 tỷ đồng, trong khi năm 2017 hoạt động này mang về cho Tân Mai khoản lợi nhuận lên tới 430 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính kiểm toán 2018 của Giấy Tân Mai
Xét về chi phí, năm 2018, chi phí tài chính của Tân Mai âm 6,3 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay lên tới 8,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với năm 2017, khoản chi phí này đã giảm tới 3,75 lần.
Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh từ 4,6 tỷ năm 2017 lên gần 23 tỷ đồng trong năm vừa qua.
Cộng hưởng những biến động này, Tân Mai lỗ ròng gần 12 tỷ đồng năm 2018, cùng kỳ công ty này lãi ròng tới 409 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 của Tân Mai được đẩy lên 292,4 tỷ đồng.
Trong báo cáo kiểm toán của Tân Mai, kiểm toán cho biết, công ty chưa ghi nhận chi phí thanh lý tài sản của nhà máy giấy Đồng Nai vào kết quả kinh doanh trong năm 2015 số tiền là 16,2 tỷ ; năm 2016 là 25,8 tỷ đồng. Giá trị thanh lý này đang được công ty theo dõi trên khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Nếu chi phí thanh lý tài sản này được ghi nhận theo quy định hiện hành thì khoản mục Chi phí xây dựng cơ bản dở dang và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 31/12/2018 sẽ giảm đồng thời số tiền hơn 42 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 12/2018, tổng tài sản của doanh nghiệp là gần 7.861 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2017 và chủ yếu là tài sản dài hạn chiếm tới 6.697 tỷ đồng. Riêng chi phí xây dựng dở dang chiếm tới 6.396 tỷ đồng.
Tiền và các khoản tương đương tiền tăng đột biến từ con số 6 tỷ đầu năm lên tới gần 35 tỷ tính tới cuối năm 2018. Trong đó, khoản tương đương tiền là 26 tỷ đồng. Đây là khoản tiền gửi có ký hạn 1 tháng tại Vietcombank – chi nhánh Đồng Nai.
Bên kia bảng cân đối, vốn chủ sở hữu của Tân Mai chỉ còn 628 tỷ đồng, giảm 2% trong năm. Nợ vay của doanh nghiệp gấp trên 6 lần và nợ phải trả gấp tới 11 lần vốn chủ sở hữu của Tân Mai.
Cụ thể, nợ phải trả 7.233 tỷ đồng, tăng 567 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay và thuê tài chính ngắn và dài hạn lần lượt là 693 tỷ và 3.165 tỷ đồng. Vietinbank là chủ nợ lớn nhất khi cho Tân Mai vay dài hạn hơn 3.284 tỷ đồng.
Về khoản vay ngân hàng, tính đến 31/12/2018, Tân Mai có khoản 656 tỷ đồng tiền gốc vay và 501,1 tỷ đồng lãi vay quá hạn chưa thanh toán, trong đó khoản nợ quá hạn lớn nhất có chủ nợ là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với gốc vay hơn 500 tỷ và lãi vay 400 tỷ đồng. BIDV và VietinBank cũng có khoản nợ vay quá hạn chưa được thanh toán tại đây với tổng gốc và lãi vay của hai ngân hàng này lần lượt là 48,6 tỷ đồng và 200 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tân Mai còn có hơn 532,3 tỷ lãi vay ngân hàng và lãi chậm trả tiền hàng trong các khoản phải trả ngắn hạn và 2.080 tỷ đồng phải trả lãi vay trong khoản mục phải trả dài hạn khác.