Giết người để trục lợi bảo hiểm sẽ bị xử lý thế nào?

14/05/2020 12:34 GMT+7
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, đối với những trường hợp giết người, thuê người chặt chân tay, giả chết để trục lợi bảo hiểm... ngoài việc bị doanh nghiệp bảo hiểm từ chối chi trả bảo hiểm còn có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.

Vụ án Đỗ Văn Minh (49 tuổi, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) lên kế hoạch giết hại người cháu vợ, đốt xác nhằm thế thân với mục đích trục lợi 18 tỷ đồng tiền bảo hiểm đã gây rúng động dư luận. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam xảy ra vụ án giết người để trục lợi bảo hiểm.

Được biết, trong lịch sử phát triển bảo hiểm tại Việt Nam đã từng có những vụ giả chết để lấy tiền bảo hiểm nhưng đều bị phát hiện.

Đơn cử như tại Kiên Giang, vụ bà L. nhận cháu Đ. làm con nuôi tại Kiên Giang rồi mua bảo hiểm cho Đ. Sau đó, bà T. làm biên bản giả tạo ra vụ con nuôi của bà bị chết đuối và đòi bảo hiểm chi trả tiền. Nhận thấy có nhiều dấu hiện nghi vấn, phía bảo hiểm điều tra ra bà T. không có đứa con nào bị chết đuối, con nuôi của bà đã được thay tên, đổi họ và về sống với mẹ ruột.

Giết người để trục lợi bảo hiểm sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ án Bí thư xã giết cháu vợ, dựng hiện trưởng giả nhằm trục lợi bảo hiểm

Còn nhớ, năm 2016, việc một phụ nữ 30 tuổi tự chặt chân, tay để đòi bảo hiểm vì nợ vài trăm triệu đồng cũng đã từng khiến dư luận đặc biệt chú ý. Theo kết luận giám định thương tật, N. bị tổn hại 79% sức khỏe. Tuy nhiên, thương tích ở tay và chân cô này do vật sắc nhọn gây ra. Nhân viên y tế tham gia điều trị cho N. cũng nhận định, vết thương không giống do tai nạn tàu hỏa gây ra. Điều đáng tiếc hơn cả đối với chị N. là cả bàn tay, bàn chân đều bị hoại tử phải tháo ra, chị phải chấp nhận tàn tật, cụt một bàn tay, một bàn chân.

Trao đổi xung quanh vụ việc đang được dư luận quan tâm, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, hiện vụ án đang được cơ quan công an điều tra, củng cố chứng cứ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, hiện tại khó có thể xác định chính xác án phạt nào sẽ dành cho hung thủ. Tuy nhiên, nếu những thông tin trên báo chí là đúng sự thật thì hung thủ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cụ thể, với hành vi giết cháu vợ để được nhận tiền bảo hiểm được xem là giết người vì động cơ đê hèn theo điểm q khoản 1 Điều 123. Như vậy, khả năng cao hung thủ sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Giết người để trục lợi bảo hiểm sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Luật sư Diệp Năng Bình.

Về hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, luật sư Bình cho biết, theo quy định hiện hành, sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.

Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định 3 trường hợp không trả bảo hiểm, gồm: Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực; người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng; người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.

Như vậy, đối với những trường hợp giết người, thuê người chặt chân tay, giả chết để trục lợi bảo hiểm, đối tượng thực hiện ngoài việc bị doanh nghiệp bảo hiểm từ chối chi trả bảo hiểm xã hội còn có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 213 BLHS 2015 về Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.

Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20- dưới 100 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại từ 50-dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm:

Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật quy định khác. Phạm tội nhằm chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 500 triệu đồng trở lên; Gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù 3-7 năm.

"Tuy nhiên nếu Bí thư xã chưa đạt được mục đích là trục lợi từ bảo hiểm thì không cấu thành Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm theo Điều 213 Bộ luật Hình sự", luật sư Bình nói.

Cũng theo luật sư Bình, thực tế ở nước ta việc lừa công ty bảo hiểm để lấy tiền như trong trường hợp nêu trên là rất hiếm, nhưng ở nước ngoài, hành vi này lại được nhiều người thực hiện. "Các vụ việc như giết người, tự chặt tay chân mình là một bài học xương máu cho những ai cố tình vi phạm pháp luật, vừa tiền mất, tật mang vừa có thể bị ngồi tù", ông Bình nói.

A.Vũ
Cùng chuyên mục