Gỗ Trường Thành (TTF) thoái hết vốn tại công ty sản xuất đá xây dựng

30/12/2023 09:09 GMT+7
Gỗ Trường Thành (TTF) đã chuyển nhượng toàn bộ 20% cổ phần tại CTCP Viestones - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đá xây dựng.

Tính tới 30/9/2023, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đang sở hữu 20% vốn tại Công ty cổ phần Viestones và hạch toán là khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết. 

Theo tìm hiểu, CTCP Vietstones thành lập ngày 25/8/2020, có địa chỉ tại tỉnh Bình Dương và hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đá xây dựng.

Tại thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ 21 tỷ đồng. Tại thay đổi 22/4/2022, Công ty có vốn điều lệ 21 tỷ đồng, trong đó Tập doàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành góp 4,2 tỷ đồng (20% VĐL). CTCP Luxury Homes Việt Nam góp 6,3 tỷ đồng (30% VĐL), cổ đông Hoàng Lan Diệp góp 6,3 tỷ đồng (30% VĐL), Vũ Xuân Dương góp 4,2 tỷ đồng (20% VĐL).

Gỗ Trường Thành (TTF) thoái hết vốn tại công ty sản xuất đá xây dựng - Ảnh 1.

Gỗ Trường Thành (TTF) đã chuyển nhượng 20% cổ phần tại CTCP Viestones - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đá xây dựng.

Trước đó ngày 28/12, HĐQT TT đã thông qua chủ trương nhận cấp tín dụng tại Ngân hàng TMCP Việt Á chi nhánh TP.HCM với tổng số tiền vay tối đa 400 tỷ đồng, thời hạn vay 12 tháng, để bổ sung và bù đắp vốn lưu động.

Biện pháp bảo đảm nghĩa vụ trả nợ có thể là thế chấp, cầm cố một phần hoặc toàn bộ tài sản của Công ty, bảo lãnh của cá nhân, tổ chức khác, do người đại diện theo pháp luật thỏa thuận cụ thể với ngân hàng.

Đây là hạn mức tín dụng lớn nhất mà Gỗ Trường Thành được cấp kể từ khi xử lý xong nợ xấu tại ngân hàng từ 2021 đến nay. Theo báo cáo tài chính tính đến tháng 9, công ty có vay ngắn hạn ngân hàng hơn 51 tỷ và vay dài hạn gần 6 tỷ đồng (chưa vay VietABank).

Trong tháng 11, Gỗ Trường Thành cũng thông qua chủ trương nhận cấp tín dụng tại Ngân hàng SinoPac - Chi nhánh TP HCM với hạn mức vay vốn tối đa 1,5 triệu USD nhằm bổ sung vốn lưu động.

Hai bên thống nhất sử dụng tài sản của Gỗ Trường Thành là thư bảo lãnh vô điều kiện và không huỷ ngang được phát hành bởi các ngân hàng trong nước như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank để đảm bảo toàn bộ nghĩa vụ vay tại Ngân hàng SinoPac.

Trong quý III/2023, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 386,46 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 6,3 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 2,27 tỷ đồng, giảm 8,57 tỷ đồng.

Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2023, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 1.103,07 tỷ đồng, giảm 27,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 42,74 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 13,05 tỷ đồng, giảm 55,79 tỷ đồng.

Như vậy, với việc tiếp tục lỗ thêm 42,74 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023, tính tới 30/9/2023, tổng lỗ luỹ kế của Gỗ Trường Thành lên tới 3.128,9 tỷ đồng và bằng 76,1% vốn điều lệ.

Được biết, trong năm 2023, Công ty Gỗ Trường Thành đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.222 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 54 tỷ đồng, tăng 14,86 lần so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm với việc lỗ, Công ty cách rất xa kế hoạch lãi 54 tỷ đồng trong năm 2023.

Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của Gỗ Trường Thành giảm nhẹ 0,3% so với đầu năm, tương ứng giảm 10,3 tỷ đồng, về 2.995,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 765,7 tỷ đồng, chiếm 25,6% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 539,8 tỷ đồng, chiếm 18% tổng tài sản; tài sản ngắn hạn khác ghi nhận 387 tỷ đồng, chiếm 12,92% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 347 tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng tài sản và các khoản mục khác.


O.L
Cùng chuyên mục