Hà Nội: Gỡ khó để mở rộng hệ thống chợ nông sản an toàn
Củng cố chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ dân sinh đáp ứng yêu cầu về giao thương, vệ sinh an toàn thực phẩm là đòi hỏi bức thiết.
Việc mở rộng hệ thống phân phối chợ nông sản an toàn trên địa bàn thành phố nhằm kiểm soát đồng bộ, hiệu quả hoạt động này đang được thành phố gấp rút thực hiện.
Trên địa bàn thành phố hiện có 2 chợ đầu mối nông sản hạng 1 là chợ đầu mối nông sản Minh Khai và chợ đầu mối phía Nam. Bên cạnh đó là hệ thống chợ cấp 2 và chợ hoạt động với tính chất chợ đầu mối như: Chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ đêm nông sản Văn Quán, chợ nông sản Bắc Thăng Long…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, cùng với mở rộng kênh phân phối nông sản thực phẩm qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên doanh nông sản thực phẩm... việc củng cố chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ dân sinh đáp ứng yêu cầu về giao thương, vệ sinh an toàn thực phẩm là đòi hỏi bức thiết.
Tuy nhiên, để triển khai xây dựng, củng cố các chợ đầu mối, chợ truyền thống thì các cấp, ngành chức năng cần phải giải quyết một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Bé, Giám đốc Hợp tác xã Văn Quán - đơn vị được giao quản lý chợ nông sản Văn Quán (quận Hà Đông), hiện nay do gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên đã ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống chợ nói chung, chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản an toàn nói riêng.
Trong khi đó, tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ, xã Lê Lợi (huyện Thường Tín) mặc dù được các sở, ngành, đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm... nhưng bà Nguyễn Thị Tâm, một tiểu thương tại chợ cho hay, do đây là chợ gia cầm sống, lượng gia cầm lưu thông lên tới vài chục nghìn con mỗi ngày, vào những ngày nóng, rất ngột ngạt; công tác vệ sinh môi trường, quản lý giết mổ của chợ vẫn còn nhiều bất cập.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quân, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Ban Quản lý chợ đầu mối phía Nam thừa nhận chợ dân sinh và chợ đầu mối còn hạn chế về công tác kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, quản lý truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm.
Để khắc phục những vấn đề trên, theo ông Nguyễn Chí Viễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa, công tác quản lý quy hoạch chợ tại một số địa phương cần được coi trọng hơn. Để chợ đầu mối hoạt động hiệu quả, kinh doanh nền nếp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì từ cấp cơ sở cần có biện pháp mạnh xử lý các chợ cóc, chợ tạm tràn lan như hiện nay.
Theo kế hoạch của thành phố, từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 8 chợ đầu mối cấp vùng, diện tích từ 20 đến 30ha/chợ. Hàng hóa tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống có nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm chất lượng, có tem nhãn, bao bì... chiếm trên 90%.
Chợ đầu mối không chỉ tập trung ở khu vực cận đô, mà còn phát triển ở các huyện có tiềm năng về sản xuất, hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối với nội đô và các vùng phụ cận.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, chợ đầu mối sẽ được thành phố đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường, có hệ thống kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với chế biến và kênh phân phối hiện đại; nông sản an toàn được kiểm soát từ các chợ đầu mối, sau đó mới đưa tới hệ thống cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh... Hiện công tác quy hoạch, triển khai dự án đang được thành phố gấp rút triển khai với sự giúp đỡ, tư vấn của nhiều tổ chức nước ngoài, có kinh nghiệm quản lý chợ hiện đại.