Hàng loạt đơn hàng máy bay bị hủy vì đại dịch đưa Boeing vào thế lao đao
Diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động của ngành hàng không hầu như hoàn toàn chững lại, dẫn đến 150 đơn hàng máy bay Boeing 737 MAX bị hủy bỏ chỉ tính riêng trong tháng Ba, trong đó có 75 đơn hàng máy bay từ công ty Avolon và 34 máy bay từ GOL (Brazil)
Boeing và Airbus hiện có gần 13.000 đơn đặt hàng máy bay từ các hãng hàng không toàn cầu. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các hãng hàng không phải hủy hàng trăm ngàn chuyến bay do lệnh cấm bay từ các chính phủ, hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới đã buộc phải cắt giảm sản lượng trong bối cảnh nhiều hãng hàng không hủy bỏ đơn hàng máy bay đã đặt trước đó. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hai hãng sản xuất máy bay nên chuẩn bị tâm lý cho nhiều đơn hàng tiếp theo bị hủy bỏ do nhiều hãng hàng không không thể trụ vững sau khủng hoảng đại dịch.
Hiệp hội Hàng không Quốc tế mới đây dự đoán lượng hành khách di chuyển bằng máy bay trong năm nay sẽ giảm 55% so với năm 2019, với điều kiện một số thị trường nội địa được phục hồi trong quý III. Cho đến cuối quý I, Boeing hiện trông chờ vào 5.049 đơn đặt hàng để mang về lợi nhuận sau khi dòng máy bay 737 Max bị ngừng sản xuất sau 2 vụ tai nạn máy bay thảm khốc.
Trong tháng Ba, Boeing đã vận chuyển thành công hơn 20 máy bay cỡ lớn và máy bay quân đội; đồng thời có thêm 31 đơn đặt hàng. Hơn một nửa số đơn hàng mới đến từ Hải quân Mỹ. Cả quý I, Boeing giao thành công tổng số 50 máy bay, gồm 11 máy bay 787, 3 máy bay 777, 2 máy bay 767 cùng với 3 máy bay chiến đấu KC-46A và một máy bay quân dụng cho Quân đội Mỹ.
Sự bùng nổ đại dịch Covid-19 ở Mỹ khiến một nhà máy gần Seattle của Boeing buộc phải đóng cửa tạm thời do công nhân không thể làm việc, khiến chuỗi dây chuyền sản xuất máy bay quân dụng của công ty gần như đóng băng. Trong khi đó, hoạt động sản xuất máy bay thương mại ở nhiều nhà máy ở phía Nam Carolina bị ngưng vô thời hạn.
Đối thủ chính của Boeing, Airbus mới đây cũng thông báo chỉ giao được 36 máy bay trong tháng Ba. Airbus cũng buộc phải cắt giảm một phần dây chuyền sản xuất vì dịch bệnh.
Nhiều hãng hàng không trên thế giới hiện phải dựa vào nguồn viện trợ của chính phủ do tác động của lệnh cấm di chuyển gây tổn thất lớn cho doanh thu. Mỹ hiện chỉ còn 5% tổng số chuyến bay vận hành, dù các chuyên gia dự đoán nếu dịch bệnh được kiểm soát trong nửa đầu năm, ngành hàng không Mỹ có thể dần phục hồi từ tháng 10 năm nay.
Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ thông báo tung ra gói cứu trợ trị giá 25 tỷ USD với các hãng hàng không để xoa dịu tác động từ dịch bệnh. Cho đến nay, 6 hãng hàng không lớn nhất Mỹ là American Airlines, United Airlines, Delta Airlines, Southwest Airlines, JetBlue Airways và Alaska Airlines cùng 4 hãng hàng không nhỏ hơn đã đăng kí nhận gói cứu trợ từ chính phủ.