Hàng Việt có thể bị “trừng phạt” do địa phương ký khống đầu vào cho doanh nghiệp
Việc khai khống nguyên liệu đầu vào sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Đây là thông tin do ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm.
Theo đó, lãnh đạo ngành hải quan cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, số thu ngân sách của ngành hải quan đạt trên 170.000 tỷ, đạt gần 60% dự toán năm và tăng đột biến so với thời gian trước đó.
"Ngoài các yếu tố tăng do tăng cường chống gian lận, chống thất thu, còn phát sinh tăng từ ô tô và dầu thô. Trong đó, ô tô tăng 515%, tương ứng tăng gần 20.000 tỷ đồng, còn dầu thô tăng 4.000 tỷ", ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết.
Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nếu trừ hai khoản tăng do dầu thô và ô tô ra thì mức tăng thu ngân sách cũng tương ứng với mức tăng kim ngạch và chống thất thu thuế.
Đối với công tác kiểm tra chuyên ngành, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, trong 6 tháng toàn ngành đã bắt giữ gần 9.000 vụ vi phạm, nôpk về ngân sách gần 158 tỷ đồng, đề nghị khởi tố 48 vụ, trong đó tình hình buôn bán hàng cấm diễn ra phức tạp, đặc biệt là ma tuý.
"Chúng tôi đã phát hiện nhiều vụ buôn bán ma tuý có giá trị lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng", ông Cẩn nói.
Đáng chú ý, ngoài buôn lậu ma tuý còn nổi lên tình trạng buôn lậu tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, hàng chuyển cửa khẩu với nhiều loại hàng cấm, hàng nhái, hàng vi phạm xuất xứ.
"Hiện chúng tôi đã điều tra và chuẩn bị báo cáo chi tiết các vụ gian lận về xuất xứ Việt Nam, kể cả là các loại hàng nhập khẩu giả mạo hàng Việt Nam để lừa dối người tiêu dùng. Hay, các loại hàng hoá nhập khẩu từ các nước khác vào Việt Nam, sau đó giả mạo, trà trộn vào hàng xuất khẩu của Việt Nam, lấy danh nghĩa là hàng Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài", ông Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh.
Lãnh đạo ngành hải quan cũng lấy ví dụ cụ thể như mặt hàng gỗ, hay sắt thép. Theo đó, hải quan đã phát hiện một số doanh nghiệp gỗ trong nước khai là thu mua nguyên liệu gỗ từ các hộ nông dân, các địa phương để chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ ra nước ngoài.
Tuy nhiên, theo điều tra của cơ quan hải quan thì không đúng như vậy.
"Thực tế là các địa phương đã ký khống cho các doanh nghiệp để họ có được giấy tờ đầu vào. Cho nên tôi đề nghị UBND các địa phương không thực hiện hành vi tiếp tay cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi như vậy sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Khi các nước như Mỹ họ điều tra ngược lại về vấn đề truy xuất nguồn gốc thì các sản phẩm của Việt Nam sẽ bị phạt và đánh thuế rất nặng", ông Cẩn nói.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan dẫn chứng như sản phẩm thép của Việt Nam đã bị Mỹ áp mức thuế rất cao, cũng liên quan đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo ngành hải quan đề nghị các địa phương chỉ đạo, tiến hành kiểm tra, rà soát xuất xứ đầu vào các sản phẩm xuất nhập khẩu.
"Chúng tôi kiến nghị các bộ ngành cùng trao đổi cơ sở dữ liệu, đặc biệt hai cơ quan là Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, làm sao cùng hải quan quản lý các C/O xuất nhập khẩu", ông Nguyễn Văn Cẩn đề xuất.