Hết năm 2022, xuất khẩu toàn ngành gỗ vẫn cán đích 15,8 tỷ USD

03/01/2023 20:50 GMT+7
Đơn hàng quý IV sụt giảm khiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong quý IV/2022 đạt 3,6 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ 2021. Nhưng hết năm 2022, toàn ngành vẫn cán đích 15,8 tỷ USD.

Xuất khẩu gần 16 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 16,928 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra, tăng 6,1% so với năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,85 tỷ USD, tăng 7% (xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 10,9 tỷ USD, giảm 1,3% so với năm 2021). Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU là 5 thị trường xuất khẩu chính gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt gần 15,5 tỷ USD, chiếm 91% giá trị xuất khẩu lâm sản..

Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 4% so với 2021. Như vậy, ngành lâm sản năm nay xuất siêu khoảng 14,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2021. 

Hết năm 2022, xuất khẩu toàn ngành gỗ vẫn cán đích 15,8 tỷ USD - Ảnh 1.

Xuất khẩu gần 16 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022.

Năm 2022 được đánh giá là một năm rất khó khăn đối với các ngành hàng xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gỗ và lâm sản nói riêng. Nguyên nhân do lạm phát tại các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đặc biệt là tại Hoa Kỳ và EU (hai thị trường có kim ngạch xuất khẩu chiếm trên 65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành) khiến tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang hai thị trường này sụt giảm nghiêm trọng trong quý III/2022.

Sang quý IV, đơn hàng tiếp tục sụt giảm khiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong quý IV/2022 đạt 3,6 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ 2021.

"Một trong những động lực quan trọng hình thành tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay là do mở rộng xuất khẩu tại Trung Quốc và Nhật Bản và Hàn Quốc", Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) nhận định.

Năm 2023, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp 5-5,5%; kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 17,5 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.

Để đạt được mục tiêu trong năm tới, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ phê duyệt Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp; Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014-NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Đến nay, đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chính chiếm tỷ trọng cao của Việt Nam, trị giá xuất khẩu mặt hàng này trong 11 tháng năm 2022 đạt 9,2 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Mặt hàng này xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Hoa Kỳ, tuy nhiên nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này tại Hoa Kỳ chậm lại bởi ảnh hưởng lạm phát cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nên trị giá xuất khẩu chung của mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ chỉ tăng nhẹ trong 11 tháng năm 2022 (trong 11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tăng 17,8%). 

Trong khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ chững lại, thì mặt hàng dăm gỗ và viên nén gỗ xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao trong 11 tháng năm 2022. Trị giá xuất khẩu dăm gỗ đạt 2,46 tỷ USD, tăng 54,4% so với cùng kỳ năm 2021; viên nén gỗ đạt 682,2 triệu USD, tăng 79,4%. Tình trạng khan hiếm năng lượng ở nhiều nước trên thế giới đang gia tăng là yếu tố chính thúc đẩy xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ của Việt Nam tăng trưởng tốt.

Hết năm 2022, xuất khẩu toàn ngành gỗ vẫn cán đích 15,8 tỷ USD - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Hết năm 2022, xuất khẩu toàn ngành gỗ vẫn cán đích 15,8 tỷ USD - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Hết năm 2022, xuất khẩu toàn ngành gỗ vẫn cán đích 15,8 tỷ USD - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Trong số 5 thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất thế giới, đồ gỗ Việt Nam đã ít nhiều khẳng định vị thế và chiếm lĩnh các thị phần quan trọng. Các thị trường nhập khẩu chính trên thế giới như Hoa Kỳ, Anh, Canada đều tăng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trong 10 tháng năm 2022, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đều giảm so với cùng kỳ năm 2021. 

Cụ thể: Theo số số liệu thống kê từ Ủy Ban Thương Mại Quốc tế Hoa Kỳ, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ trong 10 tháng năm 2022 đạt 21,8 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021 (10 tháng năm 2021 tăng 37,8%). Lạm phát cao, người tiêu dùng Hoa Kỳ có xu hướng giảm chi tiêu vào những mặt hàng lâu bền như đồ gỗ. Chính vì vậy, nhập khẩu mặt hàng này của Hoa Kỳ giảm mạnh. 

Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ, tuy nhiên tỷ trọng nhập khẩu Việt Nam trong 10 tháng năm 2022 đã giảm 2,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. 

Tiếp theo là thị trường Anh, theo số liệu thống kê từ ITC, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh trong 10 tháng năm 2022 đạt 4,4 tỷ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2021 (10 tháng năm 2021 tăng 39,9%). Trong 10 tháng năm 2022, tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam vào thị trường Anh đã giảm.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan thống kê Canada, Canada là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 5 thế giới trong 10 tháng năm 2022, đạt 2,3 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2021 (trong 10 tháng năm 2021 tăng 34,6%). Tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada từ Việt Nam cũng có xu hướng giảm.

Điều này cho thấy khó khăn mà ngành gỗ Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2023 là rất lớn để đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra.

Hết năm 2022, xuất khẩu toàn ngành gỗ vẫn cán đích 15,8 tỷ USD - Ảnh 5.

Nguồn: Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, Cơ quan thống kê Canada, ITC.

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục