Hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nCov: Thận trọng nguy cơ “rò rỉ”vốn
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh này, ngày 1/2, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công bố dịch nCoV và ban hành nhiều văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Đảng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng, chống, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của dịch nCoV đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Ngân hàng "nhập cuộc" hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi Corona
Về phía ngành ngân hàng, sau khi có sự chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc hỗ trợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay cho người dân và doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra (dịch nCoV), nhiều ngân hàng thương mại đã đưa ra các chương trình hỗ trợ thiết thực.
Ngày 6/2, VPBank thông báo hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và giảm tới 1,0%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm dành cho những DN chịu tác động lớn từ dịch nCoV, hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi; lưu trú, tour du lịch, nhà hàng – ăn uống; đại lý du lịch; các dịch vụ đặt chỗ (đặc biệt tại các tỉnh về du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang ); các DN có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc như nông, thủy sản; các khách hàng mà nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính là từ Trung Quốc…
Đại diện VPBank cho hay, ước tính tổng số khách hàng của VPBank bị tác động đợt này lên tới gần 1.000 DN và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới nếu dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Tương tự, ABBank cho biết sẽ dành 4.000 tỷ đồng để bố trí nguồn vốn chi phí thấp, ưu đãi lãi suất cho vay để hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng từ dịch nCoV. Mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 1,5-3% dành cho từng DN trong lĩnh vực cụ thể.
Một số ngân hàng khác như Vietcombank, VietinBank, TPBank... cũng đang trong quá trình rà soát đề đưa ra chính sách phù hợp.
Nguy cơ rò rỉ vốn sang lĩnh vực khác?
Theo đánh giá của các chuyên gia, động thái giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, khoanh nợ… cho những hộ kinh doanh và người nông dân bị thiệt hại do dịch nCoV của các ngân hàng sẽ giúp họ vượt qua đợt khủng hoảng dịch bệnh lần này.
Còn với các ngân hàng, kết quả kinh doanh cả năm 2019 cho thấy lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng trưởng rất mạnh, đạt những con số kỷ lục mới, nên đây sẽ là cơ sở và tiền đề quan trọng để các ngân hàng quyết định đưa ra các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp mà không quá e ngại ảnh hưởng đến mục tiêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia chính sách, Ts. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) băn khoăn, kênh truyền dẫn tiền tệ khi nới lỏng có thể dễ dàng chuyển sang thị trường bất động sản dẫn đến bong bóng không cần thiết bởi bản thân thị trường này hiện nay đang có những vấn đề. Do đó, chính sách cần có sự thận trọng, linh hoạt.
Theo ông Thành, sử dụng công cụ tín dụng cần có sự chọn lọc nhất định. Vốn cần được bơm vào các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cụ thể vì dịch virus nCoV như DN du lịch, xuất khẩu nông sản... Tuy nhiên vẫn có nguy cơ vốn rò rỉ sang lĩnh vực khác hoặc ngành khác. Do đó, cơ quan nhà nước nên đặc biệt thận trọng trong việc sử dụng các công cụ vĩ mô như vậy.
"Trong 15 năm quan sát những cuộc khủng hoảng tại Việt Nam, tôi khẳng định rằng lạm dụng chính sách vĩ mô có thể giải quyết được các vấn đề tâm lý nhất thời như trấn an người dân nhưng không có nhiều hiệu quả cụ thể trong ngành", ông Thành cho hay.
Liên quan đến quan ngại này, tại Hội nghị với các ngân hàng thương mại (NHTM), triển khai các giải pháp cụ thể, phối hợp tính toán thiệt hại, có phương án tín dụng phù hợp đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra mới đây do NHNN tổ chức, phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tái cơ cấu nợ, chuyển nợ, giãn nợ… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do dịch nCoV gây ra; chủ động nghiên cứu để trong thời gian sớm nhất (không quá hai tuần) hoàn thành dự thảo cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh này.
Trong đó, phó Thống đốc cũng nhấn mạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ phải bảo đảm tránh việc lợi dụng cơ chế hỗ trợ làm ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và việc phân loại, xử lý nợ xấu...