Ngân hàng “nhập cuộc” gỡ khó cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi corona

06/02/2020 21:25 GMT+7
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước phát đi “thông điệp” chỉ đạo các ngân hàng kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thiệt hại do ảnh hưởng của dịch nCoV, nhiều ngân hàng đã “nhập cuộc”, đảm bảo không có doanh nghiệp nào phải chịu tác động kép gây ra do dịch bệnh.

Ngày 6/2, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị với các ngân hàng thương mại (NHTM), triển khai các giải pháp cụ thể, phối hợp tính toán thiệt hại, có phương án tín dụng phù hợp đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.

Hỗ trợ doanh nghiệp thiệt hại do ảnh hưởng của dịch nCoV

Tại hội nghị, đại diện các NHTM đã báo cáo tình hình phòng, chống dịch bệnh ngay tại cơ quan đơn vị, tình hình hoạt động của các ngân hàng thương mại, dự kiến những lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng và đề xuất các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch nCoV gây ra.

Ngân hàng “nhập cuộc” gỡ khó cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Corona - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch nCoV đã bùng phát tại Trung Quốc và lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh này, ngày 1/2, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công bố dịch nCoV và ban hành nhiều văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Đảng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng, chống, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của dịch nCoV đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương trong cả nước quyết liệt, khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống dịch nCoV. Về phía ngành ngân hàng, Thống đốc NHNN đã ban hành một số văn bản chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành thực hiện công tác phòng, chống dịch nCoV để bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, ngăn ngừa xuất hiện và lây lan dịch bệnh trong từng đơn vị.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch với khách hàng. Đặc biệt, ngày 4/2, Thống đốc NHNN ban hành văn bản số 541/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch nCoV.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định, dịch bệnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các ngành dịch vụ du lịch, logistics, xuất - nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp… từ đó ảnh hưởng đến hoạt động cho vay, trả nợ ngân hàng.

Để tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện bị ảnh hưởng của dịch bệnh, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh ngay tại cơ quan, đơn vị, bảo đảm hoạt động bình thường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo Chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc NHNN.

Chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… theo quy định hiện hành.

Mặt khác, phối hợp với các sở, ban, ngành kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại theo quy định. Các đơn vị trong toàn ngành chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phân tích, đánh giá, dự báo tác động, đưa ra giải pháp ngắn hạn, trung và dài hạn, tham mưu kịp thời Ban lãnh đạo có biện pháp chỉ đạo.

Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cũng yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tái cơ cấu nợ, chuyển nợ, giãn nợ… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do dịch nCoV gây ra; chủ động nghiên cứu để trong thời gian sớm nhất (không quá hai tuần) hoàn thành dự thảo cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh này. Trong đó, bảo đảm tránh việc lợi dụng cơ chế hỗ trợ làm ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và việc phân loại, xử lý nợ xấu...

Ngân hàng thương mại "nhập cuộc"

Ngay sau thông điệp của NHNN, các ngân hàng thương mại lập tức "nhập cuộc". Đơn cử như tại VPBank, nhà băng này công bố sẽ hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi virus Corona.

Được biết, ngoài việc hỗ trợ về chính sách giảm lãi suất cho vay, VPBank cũng có nhiều giải pháp khắc phục các khó khăn cho DN bị ảnh hưởng như giãn nợ, cấu trúc nợ…

"Ước tính, tổng số khách hàng của VPBank bị tác động đợt này lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới nếu dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngân hàng thường xuyên theo dõi sát tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và trên thế giới để kịp thời có những chỉ đạo và hỗ trợ sát sao đối với các khách hàng, đảm bảo không có DN nào phải chịu tác động kép gây ra do dịch bệnh", đại diện VPBank cho biết.

Ngân hàng “nhập cuộc” gỡ khó cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Corona - Ảnh 3.

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng cho biết sẽ dành 4.000 tỷ đồng để bố trí nguồn vốn chi phí thấp, ưu đãi lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Cụ thể, ABBank sẽ chủ động xem xét với từng đơn vị trong lĩnh vực cụ thể, có thể ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 1,5-2%/năm so với lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường và từ 3%/năm với cho vay trung dài hạn.

HDBank triển khai chính sách nhằm hỗ trợ các DN ngành y, dược và người dân, chung tay vì cộng đồng chống lại dịch bệnh như: Miễn 100% phí thanh toán quốc tế cho các khách hàng DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế; giảm 50% phí giao dịch tài khoản thanh toán nội địa và giảm 50% phí phát hành các loại bảo lãnh so với quy định hiện hành cho các các DN cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế cho Bệnh viện/Sở y tế/Trung tâm y tế.

Đặc biệt, HDBank cũng đang triển khai Chương trình "Cấp tin dụng doanh nghiệp dược và vật tư y tế" với nhiều ưu đãi dành cho các nhà thầu cung cấp dược và vật tư y tế cho bệnh viện/sở y tế/trung tâm y tế.

Một số ngân hàng khác như Vietcombank, VietinBank, Sacombank, HDBank... cũng cho biết đang trong quá trình rà soát để đưa ra những chính sách và hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng và lĩnh vực chịu ảnh hưởng do dịch bệnh.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục