Hỗ trợ thúc đẩy sáng tạo trong doanh nghiệp nông nghiệp
Nhiều thuận lợi hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nông nghiệp
Theo TS. Nguyễn Tiến Định, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), thời gian qua, nhờ có các hoạt động đổi mới sáng tạo, bộ mặt sản xuất nông nghiệp đã có những thay đổi, tiến triển tích cực. Tăng trưởng nông nghiệp được đánh giá vẫn ở mức cao, ổn định, xuất siêu nông-lâm-thủy sản liên tục tăng (kim ngạch xuất khẩu nằm 2007 đạt 10,7 tỷ đô la Mỹ, đến 2018 đạt 40 tỷ USD).
Nông sản Việt Nam đang xuất khẩu sang 180 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới. Việt Nam cũng đã tham gia và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs), (CPTTP) qua đó tạo thêm nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản. Đối với riêng từng ngành, nhờ đổi mới sáng tạo, năng suất, chất lượng các sản phẩm cũng đã được nâng cao.
Thêm vào đó, số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp cũng đã tăng mạnh. Nếu như năm 2010 mới chỉ có 2569 doanh nghiệp nông nghiệp thì đến năm 2018 đã tăng lên 9235 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, Tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất: Vingroup, T&T, Nafoods, Vinamilk, TH True Milk, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Đồng Giao, Thương mại và đầu tư Biển Đông,...
Những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đạt nhiều thành tựu, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào ngành tăng mạnh. Ảnh: Thời báo kinh doanh
TS. Nguyễn Tiến Định cũng cho rằng, xét về những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển nông nghiệp nói chung và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp nói riêng, thời gian qua, Đảng, Chính phủ cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển.
Cụ thể, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn (Nghị định 57/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP); Khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (Nghị định 63/2018/NĐ-CP- thay thế Nghị định số 15/2015/NĐ-CP); Cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp (Nghị quyết 35/2018/NQ-CP ngày 15/5/2018) về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh (thay thế Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014)
Nhờ thực hiện có hiệu quả những cơ chế, chính sách trên, năng lực cạnh tranh đã được cải thiện. Cụ thể, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc (từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế); đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế.
Vị chuyên gia của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp nông nghiệp là nơi thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tạo việc làm, nâng cao chất lượng đời sống người lao động (chủ yếu nông dân).
“Số lao động được tạo ra từ các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư vào nông nghiệp chiếm 32% tổng số lao động trong toàn khu vực doanh nghiệp. Trong đó, riêng ngành chế biến, chế tạo, nông lâm thủy sản hiện có trên 4,2 triệu lao động, chiếm 30,12% tổng lao động trong toàn khu vực doanh nghiệp. Thu nhập bình quân của lao động trong doanh nghiệp nông lâm thủy sản đạt khoảng 5,04 triệu/tháng”, ông Nguyễn Tiến Định cho biết.
Các doanh nghiệp nông nghiệp còn góp phần thay đổi tập quán canh tác, nâng cao trình độ của người nông dân; là các đơn vị tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, nâng cao giá trị cho nông sản. Thống kê cho thấy, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (49.000 doanh nghiệp) chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng nộp Ngân sách nhà nước 16% tổng số nộp Ngân sách nhà nước của toàn khu vực doanh nghiệp.
Mặc dù có những lợi thế riêng biệt để phát triển, lớn mạnh nhưng theo TS Nguyễn Tiến Định, các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam hiện còn có một số hạn chế, đặc biệt là về đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ít, chỉ chiếm khoảng 1,6% số doanh nghiệp có đăng ký đang hoạt động. Doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ, năng lực tài chính thấp, trên 90% là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, hiệu quả hoạt động chưa cao. Quy mô doanh nghiệp nhỏ, sử dụng từ 10-50 lao động; quy mô vốn từ 1-5 tỷ đồng; doanh thu thuần bình quân/ doanh nghiệp/năm chỉ đạt 3,6 tỷ đồng.
TS. Nguyễn Tiến Định, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho rằng cần thúc đẩy hơn nữa đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hiện chưa đủ mạnh; doanh nghiệp muốn được hưởng các chính sách hỗ trợ này thì phải trải qua quy trình, thủ tục phức tạp; doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai vì phải tự thoả thuận, tự đàm phán với từng người dân; Các dự án nông nghiệp hầu hết chưa có hạ tầng ngoài hàng rào (do địa phương không có nguồn lực) nên phải tự đầu tư;
Cải thiện về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh chưa bền vững, đơn giản hóa thủ tục hành chính có tiến bộ nhưng chưa đạt yêu cầu mong muốn; Thị trường tiêu thụ còn nhiều yếu tối chưa ổn định, thiếu bền vững. Kênh tiêu thụ theo chuỗi của các nhà bán lẻ lớn còn hạn chế; Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn hạn chế, làm tăng chi phí, giảm chất lượng sản phẩm. Chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông (đường, cảng…) còn yếu. Chưa có hệ thống dịch vụ logistics hoàn chỉnh, khép kín cho nông sản.
Giải pháp nào thúc đẩy đẩy mạnh sáng tạo trong doanh nghiệp?
Theo TS Nguyễn Tiến Định, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nông nghiệp, cần đẩy mạnh việc tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê, mướn đất, nhận góp vốn của hộ nông dân bằng quyền sử dụng đất;
Triển khai thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP về chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn (thay thế Nghị định 201/2013/NĐ-CP); Sửa đổi các quy định pháp lý về tín dụng, bảo hiểm để thúc đẩy mạnh mẽ tín dụng và bảo hiểm nông nghiệp theo chuỗi giá trị:
Đẩy mạnh tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp; Ưu tiên tín dụng cho doanh nghiệp thực hiện liên kết chuỗi theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP; Kết hợp cho vay theo chuỗi gắn với chương trình Bảo hiểm nông nghiệp; Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp có dự án liên kết chuỗi với hợp tác xã, người dân; Hỗ trợ doanh nghiệp trở thành đầu tàu liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp;
Đẩy mạnh và khuyến khích doanh nghiệp áp dụng PPP theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP; Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp; có cơ chế đặc thù hỗ trợ đổi mới sáng tạo với những công nghệ mới, công nghệ then chốt trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp.