Hơn 4.000 lao động Việt đang trong vùng dịch ở Hàn Quốc
Sau Trung Quốc, Hàn Quốc là một trong những điểm nóng có số ca nhiễm chủng mới vi rút Corona (tên chính thức là SARS-CoV-2) nhiều nhất tính đến nay.
Sau Trung Quốc, Hàn Quốc là một trong những điểm nóng có số ca nhiễm chủng mới vi rút Corona (tên chính thức là SARS-CoV-2) nhiều nhất tính đến nay.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 22/2 thông báo tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 tại Hàn Quốc tăng gấp đôi lên thành 433 người và có 2 người tử vong. Trong cuộc họp báo đầu ngày, KCDC thông báo có thêm 142 ca nhiễm mới nhưng đến chiều qua lại có thêm 87 ca. Theo Yonhap, số ca nhiễm đang tăng với tốc độ nhanh nhất từ khi bùng phát tại nước này vào cuối tháng 1.
Trường hợp “siêu lây lan”
Chưa giám sát đặc biệt với người nhập cảnh từ Hàn Quốc
Chiều 22/2, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam vẫn chưa áp dụng các khuyến cáo, áp dụng hạn chế đi lại hoặc thực hiện giám sát y tế đặc biệt nào đối với hành khách đến/về Việt Nam từ Hàn Quốc. Tại cửa khẩu quốc tế, các hành khách chỉ cần đo thân nhiệt, cung cấp thông tin y tế. Tuy nhiên, Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng khẩn cấp Việt Nam đang theo dõi diễn biến dịch tại Hàn Quốc để đề xuất kịp thời các quyết định mới lên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch. Việc hạn chế du lịch, cắt giảm chuyến bay, hoặc giám sát y tế với người nhập cảnh chỉ đưa ra trong tình huống cần thiết.
Tuy vậy, cùng ngày, ông Lê Tấn Phùng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc, sở đã chỉ đạo Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh giám sát chặt chẽ tình trạng sức khỏe đối với du khách Hàn Quốc khi đến Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Ngoài việc đo thân nhiệt, phải áp dụng tờ khai y tế với khách đến từ Hàn Quốc”.
Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, những năm gần đây, Hàn Quốc là nguồn khách quốc tế lớn thứ 3 của tỉnh (sau Trung Quốc và Nga) và có tốc độ tăng trưởng tốt. Năm 2019, địa phương đón gần 305.000 lượt khách Hàn Quốc. Từ đầu năm 2020 đến nay, trung bình mỗi ngày, Khánh Hòa đón 13 - 15 chuyến bay từ Hàn Quốc. Tháng 1/2020 đến nay, toàn tỉnh đã đón hơn 50.100 lượt khách Hàn Quốc.
Liên Châu - Nguyễn Chung
Có 62 người trong số những ca nhiễm mới liên quan đến tổ chức tôn giáo Shincheonji ở TP.Daegu, đông nam Hàn Quốc, và một số vùng lân cận. Tính đến hôm qua, có tổng cộng 231 người nhiễm được xác định có liên quan đến tổ chức tôn giáo nói trên. KCDC thông báo đã yêu cầu hơn 9.300 người của nhóm này phải tự cách ly, trong đó có 544 người nghi đã tiếp xúc với bệnh nhân đang được xét nghiệm.
Giới chức Hàn Quốc đã thiết lập “khu vực chăm sóc đặc biệt” đối với Daegu và huyện Cheongdo thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang kế bên nhằm ngăn dịch lây lan. Nhà chức trách cũng áp đặt lệnh cách ly đặc biệt đối với Bệnh viện Daenam tại Cheongdo, nơi có tổng cộng 114 ca nhiễm, 2 ca tử vong. Căn cứ quân sự của Mỹ tại Daegu cũng ra quy định hạn chế người ngoài và yêu cầu những quân nhân có dự các buổi lễ ở nhà thờ Shincheonji phải cách ly. Trước đó, chính quyền Seoul đã cấm biểu tình, tụ tập đông người tại 3 quảng trường ở thủ đô và ngưng hoạt động của Shincheonji cùng một số tổ chức tôn giáo khác trong thành phố.
Nhà chức trách đang dồn sự chú ý vào người phụ nữ 61 tuổi ở Daegu, được xác định là “bệnh nhân số 31” từ ngày 11.2. Theo Yonhap, bà này là một tín đồ của Shincheonji, đi lễ 4 lần trước và sau khi phát hiện triệu chứng. Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang không có ca nhiễm nào cho đến khi trường hợp của bà này được thông báo nên người phụ nữ được coi là trường hợp “siêu lây lan”.
Người Việt bình tĩnh
Trả lời Thanh Niên, nhiều người Việt sống tại Daegu cho biết cảm thấy hơi lo ngại về những diễn biến mới nhưng vẫn giữ bình tĩnh trong lúc chính quyền đối phó với dịch. Anh Đặng Khoa nói hầu hết các công ty nơi anh sinh sống đều hoạt động bình thường, trừ một số công ty trong khu vực “báo động đỏ” buộc phải cho công nhân nghỉ. Ngoài ra, một số công ty cũng tăng cường biện pháp đề phòng như đo thân nhiệt, chuẩn bị sẵn đồ phòng hộ kháng khuẩn, nước rửa tay cho người lao động.
Cô Hoai Thanh Jueon Kim, sống gần nhà thờ Shincheonji và bệnh viện nơi “bệnh nhân số 31” đang điều trị, cho hay chỉ những khu vực khả nghi mới bị phong tỏa để khử trùng, còn những nơi xa tâm dịch vẫn hoạt động bình thường chứ không có chuyện Daegu đang “chìm trong bóng tối”.
Cô Huỳnh Diệu Hiền chia sẻ do tâm lý e ngại nên chỉ một số hàng quán đóng cửa để tránh bị lây nhiễm. Theo cô, các mặt hàng như thực phẩm, khẩu trang vẫn được bán ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi chứ không có cảnh khan hiếm, tăng giá.
Sinh viên Nguyễn Vũ Bảo tại ĐH Suseong cho biết một số siêu thị lớn hết đồ ăn, các trang mua sắm trực tuyến ngừng hoạt động trong vài giờ do lượng người mua nhiều sau khi có thông tin bùng phát dịch. Tuy nhiên, sau khi chính quyền chỉ đạo tăng cường cung cấp các mặt hàng đến Daegu thì mọi thứ trở lại bình thường. Mặt khác, anh Bảo cho biết ĐH Suseong đã có công văn đề nghị cho sinh viên Việt Nam về nước tránh dịch và có thể sang tuần sau sẽ có kết quả.
Trong khi đó, anh Phạm Bá Điền, làm việc tại TP.Gwangju, miền nam Hàn Quốc, tỏ ra khá hoang mang vì thông tin dịch bệnh đang “lây lan chóng mặt”. Anh Điền cho hay nhà chức trách thành phố đã xác nhận có 4 ca bị nhiễm. “Tuy những ngày gần đây không có ca nhiễm mới nhưng mọi người vẫn e dè và hạn chế ra đường. Các nhân viên y tế thường xuyên xịt thuốc khử trùng trên xe buýt và các bến xe, một số công ty đang giảm giờ làm, trang bị nước rửa tay cho người lao động”, anh Điền nói. Anh cũng lo ngại nhiều lao động Việt ở thành phố chủ yếu đi lại bằng xe buýt nên nguy cơ nhiễm bệnh là đáng lo.
Khi được hỏi liệu có muốn về nước, anh Điền nói nếu dịch bùng phát mạnh thì chỉ còn cách đặt thực phẩm và ở trong nhà vì sợ không về được. “Lỡ như mình có bệnh mà không biết, về lây nhiễm cho người thân nữa thì khổ”, anh Điền chia sẻ.
Theo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện có hơn 4.000 lao động Việt Nam ở 2 vùng dịch lớn của Hàn Quốc là TP.Daegu và tỉnh Gyeongbuk. Trong đó, hơn 1.000 người ở tâm dịch Daegu và 3.007 người ở tỉnh Gyeongbuk, nhưng chưa có ai mắc. Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đã đề nghị Văn phòng Chương trình cấp phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc (EPS) và doanh nghiệp phái cử theo dõi tình hình dịch bệnh liên quan đến lao động Việt Nam. Các đơn vị này và các tư vấn viên người Việt tại Hàn Quốc đang hỗ trợ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc phòng chống dịch.
Đáng chú ý, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Tư pháp Hàn Quốc) đã thông báo chính thức: công dân nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nếu có các dấu hiệu lây nhiễm khi đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế sẽ không bị truy cứu về tình trạng cư trú, không bị trục xuất.
Để nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết, người lao động có thể liên lạc với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc theo số điện thoại: 010-3248-6886; 010-4356-2505 hoặc số điện thoại của EPS: 010-9892-1712.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, hiện có khoảng gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Trong số này, có khoảng 12.000 người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.