Hơn 8 năm tìm cách tháo nhưng chưa gỡ được “nút thắt” dự án 10.000 tỷ (Bài 3)
Đường đi của nước thải ra biển Việt Thanh
Theo thông tin mà PV Etime được chủ đầu tư cung cấp, hệ thống ống dẫn nước xả thải từ NM Bột – Giấy VNT19, đến nơi xả thải (vịnh biển Việt Thanh) có tổng chiều dài khoảng 6000m. Trong đó đoạn đi ngầm trên cạn khoảng 5000m, phần còn lại là chiều dài chạy dưới mặt nước biển và được chia làm nhiều nhánh.
Loại ống dẫn sử dụng để dẫn là HDPE, có đường kính được tính toán lựa chọn D=900mm và H=6m (giai đoạn 1 H=1,22m); lưu lượng thiết kế cho tuyến đường ống dẫn là 73.000m3/ngày, đêm; thiết kế cho hệ thống bơm là 50.000m3/ngày, đêm (giai đoạn 1).
Từ khu vực xử lý của nhà máy, tuyến ống dẫn nước xả thải đi qua đường Võ Văn Kiệt, rồi chạy dọc phía Nam (ngoài ranh giới mở rộng NMLD Dung Quất) và đổ ra vịnh biển Việt Thanh, tại vị trí dự kiến cách bờ khoảng 1000m.
Dựa trên số liệu thuỷ động lực và môi trường trong khu vực vịnh biển Việt Thanh từ năm 2015-2019, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, đã chạy mô hình xả thải (Mike 3 FM và mô đun Eco-Lab) của nhà máy Bột – Giấy VNT19 tại vịnh biển Việt Thanh, để tính toán khuếch tán và lan truyền nồng độ các chất trong nước thải.
Từ kết quả này, dự án áp dụng tính toán trên 4 kịch bản, gồm lưu lượng xả thải 73.000m3/ngày, đêm với vị trí xả thải ngay sát bờ biển; cách bờ biển 500m; 1000m và vị trí xả thải cách bờ biển 1.500m.
Cũng theo đại diện chủ đầu tư NM Bột – Giấy VNT19, vịnh biển Việt Thanh là một thuỷ vực mở ven bờ, cửa vịnh rộng khoảng 6km, độ sâu trung bình 11m; diện tích khoảng 951ha, sức chứa 104 triệu m3, mức trao đổi nước với các thuỷ vực lân cận khoảng 91 triệu m3/ngày, đêm, tương đương 87,3% thể tích vịnh.
Từ những cơ sở này cho thấy vịnh biển Việt Thanh có khả năng dung hoà các chất ô nhiễm sau khi được xử lý; chỉ số khả năng tiếp nhận và sức chịu tải của vịnh Việt Thanh trước và sau khi nhà máy Bột – Giấy VNT19 hoạt động, không biến động nhiều.
Vị trí xả thải cách bờ 1000m là phù hợp nhất. Tại vị trí (xả thải) này, các chất trong nước thải sau khi lan truyền và khuếch tán đều nằm trong giới hạn cho phép, ít gây ảnh hưởng đến các khu vực ven bờ.
Nỗ lực tìm cách "tháo", nhưng vẫn chưa "gỡ" được
Suốt nhiều năm qua, các cấp ngành của tỉnh và chủ đầu tư, đã tổ chức phản biện; gặp trực tiếp người dân…gần đây nhất là gần cuối tháng 3/2023, tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra hiện trường, để tháo gỡ khó khăn cho dự án NM Bột - Giấy VNT19.
Tại thời điểm trên, đại diện chủ đầu tư cho biết, khối lượng công việc của dự án đã thực hiện đạt khoảng 75%. Trong đó, đền bù GPMB đạt 95%; thiết kế 95%; mua sắm thiết bị 75%; bảo dưỡng sửa chữa 80%; xây dựng 85%...
Riêng từ đầu năm 2023 đến nay (thời điểm cuối tháng 3/2023), đã tiếp tục lắp đặt thêm nhiều thiết bị, triển khai thủ tục cấp phép xả thải... để có thể hoàn thành dự án, đưa vận hành chính thức vào năm 2024.
Tại buổi kiểm tra, cùng các nội dung khác, cấp thẩm quyền Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư, chủ động phối hợp thực hiện các thủ tục cấp phép xả thải; tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công; rà soát, đối chiếu các quy định của pháp luật để đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết về bảo vệ môi trường của dự án.
Tuy nhiên đến tháng 7/2023 vừa qua, chủ đầu tư lại có văn bản gửi cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi, báo cáo về việc người dân thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị cản trở đoàn kiểm tra thực địa giao khu vực biển, để thi công đoạn ống xả ngầm trên vịnh Việt Thanh (Công văn số 789/BC-VNT19 ngày 6/7/2023).
Theo đó, cấp thẩm quyền Quảng Ngãi giao trách nhiệm cho Sở TNMT chủ trì, phối hợp với BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, UBND huyện Bình Sơn xem xét giải quyết đề nghị này.