Khi có thiên tai xảy ra, hơn 280.000 người dân Bình Định vùng nguy hiểm cần được hỗ trợ
Lên kịch bản sơ tán dân khi thiên tai xảy ra
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, từ tháng 9 đến tháng 11, tỉnh này có thể bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới.
Dự báo, tháng 9-11, tổng lượng mưa khu vực Bình Định phổ biến cao hơn 10-30% so với nhiều năm; tháng 12 phổ biến 180-280mm, vùng núi phía bắc là 400mm; mực nước các sông sẽ dao động mạnh, khả năng xuất hiện 3-5 trận lũ với đỉnh lũ đạt mức báo động 2-3, có nơi vượt báo động 3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực miền núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho hay, đến nay các địa phương trong tỉnh đã có phương án xác định cụ thể những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai đối với bão, áp thấp nhiệt đới, nước biển dâng do bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất.
Các địa phương cũng xác định số hộ dân, người dân cần phải sơ tán; địa điểm sơ tán đến, hậu cần nơi đến sơ tán, phương tiện và nhân lực triển khai ứng phó thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ.
Vùng bị ảnh hưởng gió bão (toàn bộ 159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Định); vùng bị ảnh hưởng do nước biển dâng do bão (25 xã, phường của 5 huyện, thị xã, thành phố ven biển); vùng bị ảnh hưởng do lũ, ngập lụt (119 xã, phường, thị trấn).
Đặc biệt, vùng bị ảnh hưởng do sạt lở đất có 15 khu vực nguy cơ sạt lở cao. Trong đó, huyện Hoài Ân có 4 khu vực gồm: thôn Bình Hòa Bắc, xã Ân Hảo Đông; thôn Đồng Nhà Mười, xã Ân Sơn; khu vực điểm cao 182, thôn Phú Ninh và điểm cao 318, thôn Nhơn Sơn (xã Ân Nghĩa).
Huyện An Lão có 3 khu vực gồm: núi Đá, thôn Trà Cong, xã An Hòa; núi Đá Chồng (thôn Vạn Long, xã An Hòa) và khu vực thôn 2 (làng cũ), xã An Toàn.
Huyện Vĩnh Thạnh có 2 khu vực gồm: thôn 3, xã Vĩnh Kim và khu vực điểm cao 130 ở thôn Đắk Tra, xã Vĩnh Kim.
Chú trọng neo đậu an toàn cho các tàu hàng tại Cảng Quy Nhơn
Thành phố Quy Nhơn có 2 khu vực gồm: núi Một, khu phố 1, phường Đống Đa và Hóc Bà Bếp, tổ 27, khu phố 5, phường Đống Đa.
Huyện Phù Cát có 4 khu vực gồm: núi Gành, thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh; núi Cấm, thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành; vùng núi đèo Chánh Oai và đèo Tân Thanh, thuộc xã Cát Hải.
Ngoài việc đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình trên đất liền, tỉnh Bình Định đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho các phương tiện đánh bắt trên biển.
Theo thống kê, Bình Định có 3 khu neo đậu tàu cá lớn tại đầm Thị Nại (thành phố Quy Nhơn), Đề Gi (huyện Phù Cát) và Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn), với tổng sức chứa là hơn 5.200 tàu.
Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho rằng, khi có thông báo về bão hoặc áp thấp nhiệt đới, các lực lượng sẽ ngay lập tức thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng để ngư dân chủ động di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc quay về các cảng gần nhất.
"Chúng tôi yêu cầu đơn vị quản lý các khu neo đậu tàu cá phải trực 24/24h để theo dõi thời tiết, tình hình tàu thuyền trên biển. Các địa phương cũng phối hợp với lực lượng biên phòng và các đơn vị liên quan để thông báo kịp thời, đảm bảo an toàn cho ngư dân. Ngoài ra, vấn đề neo đậu an toàn cho các tàu hàng tại Cảng Quy Nhơn cũng được chú trọng", ông Phúc nói.