Khó thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao
Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang gặp nhiều điểm nghẽn, nguyên do là bởi đây là lĩnh vực gặp nhiều rủi ro do phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu để hướng đến một nền kinh tế nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thời gian qua, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao chưa được như kỳ vọng. Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này rất... nhỏ giọt.
Nói về câu chuyện thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), có thể khẳng định, hơn 30 năm qua, nguồn vốn này đổ vào trong nước đã tạo nên được nhiều thành tựu lớn, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập tồn tại. Đáng chú ý, dòng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn rất khiêm tốn.
Số liệu thống kê cho hay, cả nước hiện có 29 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy hoạch ở 12 tỉnh, thành phố, trong đó có 7 khu đã đi vào hoạt động. Những khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được biết đến như Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên với diện tích là 300 ha; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng với diện tích là 221 ha;…
Nếu so với tiềm năng kinh tế nông nghiệp của cả nước, thì những con số nói trên vẫn quá nhỏ bé. Theo nhận định của giới chuyên gia, nếu điểm mặt các dự án FDI dành cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thì con số rất khiêm tốn, và chủ yếu tập trung ở một số vùng miền có lợi thế.
Cụ thể ở đây phải kể đến tỉnh Lâm Đồng - một trong những địa phương dẫn đầu khi thu hút nhiều nhất các nhà đầu tư FDI vào nông nghiệp công nghệ cao. Hiện tại, sự tham gia đầu tư của các DN FDI vào địa phương này đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10.000 lao động.
Theo ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nguồn vốn FDI đổ vào địa phương đã góp phần quan trọng trong việc hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp theo ướng công nghệ cao. Các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến đã và đang làm gia tăng giá trị hàng nông sản vốn thuộc thế mạnh của tỉnh như các loại rau, hoa, trà Ô long… Nhiều sản phẩm đã hình thành được thương hiệu tại thị trường trong nước và thế giới.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả như Lâm Đồng. Trên thực tế, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang gặp nhiều điểm nghẽn, nguyên do là bởi đây là lĩnh vực gặp nhiều rủi ro do phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Đáng chú ý, nếu câu chuyện về vốn và vấn đề tiếp cận vốn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao là điểm nghẽn lớn nhất đối với các DN nhỏ và vừa trong nước, thì với các DN FDI, rào cản chính nằm ở vấn đề tích tụ đất đai, tập trung quỹ đất để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo các chuyên gia, áp dụng công nghệ cao cần gắn với quy mô, quỹ đất đủ lớn, nhưng với quy định về hạn mức giao đất như hiện nay, diện tích sản xuất đất nông nghiệp vẫn lẻ tẻ, manh mún, khiến các DN khó có thể “xoay xở” được.
Bên cạnh đó, yếu tố nguồn nhân lực có vai trò quyết định trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chính bởi vậy, thời gian tới, nhà quản lý cần quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng lao động của người nông dân để có thể đáp ứng phù hợp với nền nông nghiệp đòi hỏi trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, để đổi tư duy, thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu của phần lớn các nông hộ hiện nay cũng là vấn đề khá nan giải.