Khôi phục vị thế cây cà phê Tây Nguyên: Định hướng chuỗi sản xuất giá trị gia tăng
Tỉnh Đắk Lắk cần có giải pháp đột phá để khôi phục lại vị thế của cây cà phê
Nhiều thách thức
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở Việt Nam, cây cà phê được trồng chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông và Kon Tum với diện tích khoảng 577,8 ngàn ha, chiếm 89,6% diện tích của cả nước. Với người Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, cà phê là linh hồn của đất, là nguồn sinh kế, gắn bó mật thiết với hàng triệu nông dân.
Thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp và người dân đã có các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị cây cà phê như: Nâng cao hiệu quả, giảm chi phí sản xuất; cải tiến trong thu hái, bảo quản và chế biến sâu; phát triển thị trường cà phê…
Tuy nhiên, những kết quả mang lại chưa thực sự đáng kể. Hiện, cây cà phê ở Tây Nguyên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để phát triển bền vững, có dấu hiệu mất vai trò là cây chủ lực, bởi sức ép về chất lượng, về thị trường giá cả… Một trong những khó khăn, thách thức cần phải giải quyết là phải tái canh.
Theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hiện nay, cà phê Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức như: Diện tích cà phê già cỗi (trên 20 năm tuổi), hiện có 86.000ha, chiếm 13,8% tổng diện tích cà phê; cơ cấu giống chưa phù hợp; còn lạm dụng phân bón; thiếu nước tưới; việc coi trọng cây che bóng và cây chắn gió cho cà phê; công tác chế biến; giá cả…
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất khu vực Tây Nguyên (chiếm 70% tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày của tỉnh với 203.737ha). Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, loại cây chủ lực này giá giảm mạnh, nếu như các năm trước khoảng 40 ngàn đồng/kg thì hiện tại chỉ còn ở mức trên 30 ngàn đồng/kg. Do vậy, cây cà phê đang đối mặt với nhiều thách thức và gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Những việc cần làm ngay
Thực tế cho thấy, ở Đắk Lắk, không ai phủ nhận lợi ích mà các loại cây chủ lực đã mang lại cho kinh tế vùng, nhất là khi giá loại nông sản này giữ ổn định ở mức cao. Hàng nghìn hộ nông dân Đắk Lắk đã đổi đời, không chỉ vượt qua đói nghèo, mà còn trở thành triệu phú, tỷ phú từ sản xuất cao su, cà phê, hồ tiêu. Tuy nhiên, các cây chủ lực ở tỉnh này hiện đang phát triển thiếu bền vững, do là diện tích phát triển quá nhanh, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Vì vậy, tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, năm 2019 do tỉnh Đắk Lắk tổ chức vào trung tuần tháng 3, đã tập trung phát triển thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột; tôn vinh người trồng cà phê, chế biến và kinh doanh cà phê; động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hóa cà phê; hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực chế biến cà phê…
Cũng trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2019, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh, trong đó, các chuyên gia đã chỉ ra những lợi thế và tiềm năng phát triển hiếm có của cây cà phê. Tuy nhiên, để tỉnh Đắk Lắk “tiến vượt” cho tương xứng với tiềm năng, lợi thế thì còn rất nhiều việc cần phải làm.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk cần định hướng xây dựng chuỗi sản xuất đối với các sản phẩm lợi thế, hướng tới giá trị tăng cao thành định hướng ưu tiên trong chiến lược tái cơ cấu kinh tế; khuyến khích thu hút đầu tư tạo chuỗi, đặc biệt là công đoạn chế biến sâu, cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh; áp dụng nguyên tắc “khuyến khích, hỗ trợ người thắng” đối với các doanh nghiệp đầu tư tạo chuỗi, nhằm mục tiêu lôi kéo và thúc đẩy phát triển các nhà đầu tư lớn, đóng vai trò dẫn dắt chuỗi; phát triển du lịch với trụ cột là “văn hóa Tây Nguyên, linh hồn Đại Ngàn”, kết hợp tua du lịch Đắk Lắk dọc theo Tây Nguyên và ngang với các tỉnh duyên hải miền Trung; ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông. Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk cần cải thiện mạnh mẽ hiệu quả hoạt động của chính quyền, cải thiện hình ảnh…
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng nhấn mạnh, các tỉnh trồng cà phê cần phải thay đổi phương thức sản xuất, tập trung chế biến sâu và nâng cao quảng bá sản phẩm… nhằm nâng tầm cà phê Việt trên thị trường quốc tế. Và để thực hiện được khát vọng này thì Đắk Lắk, các tỉnh có trồng cà phê và Chính phủ phải có những giải pháp thực sự đột phá…