"Không thể đưa thức ăn chăn nuôi vào danh mục bình ổn giá, cần tuân theo thị trường"

07/07/2021 07:17 GMT+7
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định không thể đưa thức ăn chăn nuôi nào vào danh mục được bình ổn bởi chưa có quy định vấn đề này, cần tuân theo quy luật thị trường.

 Kiến nghị đưa thức ăn chăn nuôi vào mặt hàng bình ổn giá 

Trên báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, giá nguyên liệu chiếm khoảng 80 - 85% so với giá thành sản xuất, các chi phí khác như nhiên liệu, khấu hao, nhân công, lãi vay, lương... chiếm khoảng 10-15%. Và trong chăn nuôi, giá thức ăn chiếm 65 - 70% giá thành.

Ông Trọng cho biết, Cục Chăn nuôi và Bộ NN-PTNT đã từng đề xuất đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi vào diện bình ổn từ năm 2018 bởi Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu.

Nay đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu tiếp tục bộc lộ điểm yếu ở khâu nguyên liệu của ngành chăn nuôi nước nhà.

"Không thể đưa thức ăn chăn nuôi vào danh mục bình ổn giá, cần tuân theo thị trường" - Ảnh 1.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt khiến người nông dân gặp khó. Ảnh TTXVN

Ông Trọng cho rằng, nền kinh tế thị trường bao giờ cũng có hai mặt của nó nên vẫn cần phải có sự điều tiết của bàn tay Nhà nước. Đơn cử, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, nếu người chăn nuôi sản xuất theo chuỗi từ con giống bố mẹ đến nuôi thịt, giá thành chăn nuôi lợn chỉ dao động 53.000 - 54.000 đ/kg, với giá hiện tại trên 60.000 đ/kg nông dân vẫn có lãi. Nhưng nếu các cơ sở chăn nuôi bây giờ phải đi mua con giống bên ngoài với giá 2,5 - 3 triệu đ/con, giá thành ngay lập tức lên 67.000 - 69.000 đ/kg, sẽ bị lỗ.

“Chính vì vậy, Cục Chăn nuôi vẫn luôn khuyến nghị nông dân sản xuất theo chuỗi. Bởi chỉ sản xuất theo chuỗi mới tiết giảm được đầu vào để hạ giá thành sản xuất. Sản xuất theo chuỗi cũng giúp chủ động kiểm soát linh hoạt cung - cầu và kế hoạch sản xuất, tiêu dùng", ông Trọng nhấn mạnh.

Cần tuân theo thị trường

Tuy nhiên, trên tờ Doanh nghiệp và Niêm Yết, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định không thể đưa thức ăn chăn nuôi nào vào danh mục được bình ổn bởi chưa có quy định vấn đề này, cần tuân theo quy luật thị trường.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết thêm giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, giá gia cầm đang có xu hướng phục hồi và giá heo hơi vẫn ở mức có lãi.

Trong tháng 6, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã có xu hướng giảm so với tháng 5, cụ thể: ngô giảm 5,2%, khô dầu đậu tương giảm 2,5%, cám mì giảm 2,6%, bã ngô giảm 1%. Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng khoảng 2% so với tháng 5. 

Những ngày đầu tháng 7, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính tiếp tục giữ xu hướng giảm, cụ thể ngô giảm 2%, khô dầu đậu tương giảm 1,7%, cám mì giảm 0,6%, bã ngô giảm 2%. 

Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm vẫn tăng so với tháng 6 (mức tăng từ 1,7 đến 2%) do hiện tại các doanh nghiệp lấy lý do sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn đang phải sử dụng nguyên liệu được mua với giá cao từ các tháng trước.

Mặc dù vậy, tính bình quân 6 tháng đầu năm 2021, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ 2020, trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc. 

Mặt hàngGiá (đồng/kg)Mức tăng so với 6 tháng đầu năm 2020

Ngô hạt

7.617

35%

khô dầu đậu tương

13.091

35,5%

bã ngô

8.847

46%

cám mì

6.717

33%

sắn lát

5.994

19%

cám gạo chiết ly

4.936

16%

Methionine

64.951

19%

Lysine

35.053

16%

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trung bình trong 6 tháng đầu năm 2021. Số liệu: Cục Chăn nuôi

Cục Chăn nuôi dự báo giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính có thể tăng trong thời gian tới do các thông tin về tồn kho vụ cũ và diện tích trồng ngô, đậu tương vụ mới của Mỹ đều thấp hơn dự kiến.

Đồng thời do nhu cầu ngô sản xuất ethanol của Mỹ tăng cao dẫn tới hạn chế nguồn cung ngô dùng cho chăn nuôi. 

Do đó, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, dự kiến có 2 lần tăng với tổng mức tăng khoảng 5%.

Trong 6 tháng đầu năm, ước tính tổng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu là 11 triệu tấn, tương ứng với 3,84 tỷ USD, tăng 33% về số lượng và 50% về giá trị so với cùng kỳ 2020.


PV
Cùng chuyên mục