Kinh tế chia sẻ đi lùi vì tư duy “2 bên cưa đôi” của người Việt?

27/08/2019 17:28 GMT+7
Người Việt Nam chưa có nhiều người có tư duy chia sẻ, vẫn vì lợi ích cá nhân và cục bộ nhiều hơn, chưa lo lợi ích lâu dài. Điển hình là nhiều lái xe Grab mặc cả với khách hàng một cách công khai, tắt phần phí đáng lẽ hãng Grab được hưởng nay được 2 bên “cưa đôi”.

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại

Thủ tướng Chính phủ kí quyết định 999/QĐ–TTg ngày 12/8/2019 về phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Vấn đề này là khá mới mẻ đối với kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp VN, nhưng đối với các nước phát triển thì họ đã thực hiện được nhiều năm nay và mang lại những kết quả đáng khích lệ: theo nghiên cứu của công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers Việt Nam (PwC) thì chỉ riêng 5 lĩnh vực là du lịch, vận tải, tài chính, nhân lực và dịch vụ video trực tuyến ca nhạc, khi ứng dụng mô hình này làm tăng doanh thu toàn cầu từ 15 tỷ USD năm 2014 và dự báo lên 335 tỷ USD năm 2025.

Trên thế giới hiện đang có đang nhiều thành công về nền kinh tế chia sẻ, có thể lấy ví dụ ở Trung Quốc, theo trang tin ECNS của nước này thì quy mô của nền kinh tế chia sẻ đạt mức 152,8 tỷ USD trong năm 2015. Tại Mỹ, tổng giá trị các công ty tham gia mô hình này đạt 463,9 tỷ USSD, chiếm hơn 3% GDP.

Vậy ở Việt Nam thì sao?

Kinh tế chia sẻ mới xuất hiện một vài năm gần đây, chúng ta đang có cơ hội để thu lợi nhuận, hưởng lợi từ xu hướng phát triển nền kinh tế chia sẻ. Theo khảo sát, cứ 4 người Việt Nam được hỏi, có 3 người cho biết họ thích ý tưởng về mô hình này và 76% số người được khảo sát cho biết, họ sẵn sàng sử dụng các sản phẩm của nền kinh tế chia sẻ.

Rõ ràng, kinh tế chia sẻ sẽ tạo cơ hội cho một phong trào kinh doanh mới, mở ra cơ hội dựa trên nền tảng số ứng dụng công nghệ 4.0. Thị trường sẽ cạnh tranh hơn, các loại hình dịch vụ sẽ đa dạng hơn, trước hết mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời mở ra cơ hội đầu tư cho người lao động; kinh tế chia sẻ còn làm tăng thu nhập, tiết kiệm tài nguyên, tận dụng tối đa công suất những tài sản dư thừa, bảo vệ môi trường, giảm các chi phí giao dịch trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kinh doanh chia sẻ sẽ thúc đẩy hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở Việt Nam cho hiện nay và trong tương lai. Mặt khác, nó cũng tạo ra cơ hội cho việc cải cách bộ máy hành chính theo hướng Chính phủ số và cải cách thể chế nhằm phát triển ngành kinh tế số trong thời đại công nghiệp 4.0.

Theo số liệu của Grant Thomton, năm 2016, dịch vụ Airbnb (chia sẻ phòng lưu trú) chỉ có 6.500 căn hộ. Tới năm 2017, nguồn cung đã tăng lên 16.000 căn, gấp 2,5 lần, chủ yếu ở HN và TP.HCM. Mô hình này kéo  theo hàng loạt các startup cho dịch vụ cho thuê phòng trực tuyến tại VN như Luxstay, Homestay…

(Ảnh minh hoạ)

Kinh tế chia sẻ đã tận dụng lợi thế của công nghệ để tiếp cận với số lượng lớn khách hàng và kéo chi phí xuống thấp hơn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo về những mặt trái của nền kinh tế chia sẻ, đó là muốn xây dựng nền kinh tế chia sẻ, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng mối quan hệ đối tác tin cậy, sòng phẳng, cùng trên một con thuyền, cùng gắn kết và có lòng tin lẫn nhau, chỉ cần một mắt xích không thực hiện đúng vai trò của mình thì toàn bộ hệ thống có thể bị sụp đổ.

Ngoài ra, các chuyên gia và học giả trong nước có nhiều nhận định về người Việt Nam, đó là chưa có nhiều người có tư duy chia sẻ, mà vẫn vì lợi ích cá nhân và cục bộ nhiều hơn, chưa lo lợi ích lâu dài. Các doanh nghiệp cho đến nay đều chưa được trang bị kiến thức cơ bản về nền kinh tế đặc thù để nhận thức một cách tự giác theo tư duy tiên tiến đó, nếu xuất phát từ tính cấu kết cộng đồng yếu và kỉ luật thị trường kém bền vững, sẽ làm cho sự phát triển kinh tế chia sẻ ở nước ta khó phát triển nhanh và bền vững.

Điển hình là việc kết nối giữa khách hàng và tài xế Grab. Khi hệ thống vận hành hiệu quả, về nguyên tắc, lợi ích của các bên đều tăng lên. Tuy nhiên, nhiều hình ảnh lái xe Grab mặc cả với khách hàng một cách công khai, tắt ứng dụng đi, phần phí đáng lẽ hãng Grab được hưởng nay được 2 bên “cưa đôi”. Như vậy dẫn tới kế hoạch vận chuyển hành khách bị giảm, lái xe thu nhập được tăng lên một cách bất hợp pháp, còn doanh nghiệp chủ quản ứng dụng công nghệ thì không được đồng nào.

Có lẽ, phải giải quyết vấn đề văn hóa, pháp luật và kỉ cương trước khi phát triển mạnh mẽ mô hình này ở nước ta. Cần khen thưởng thích đáng và xử phạt nghiêm minh, đó là giải pháp chính để hoạt động kinh tế chia sẻ đi vào nề nếp.

Trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ có giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương: “Cần nghiên cứu phát triển mô hình kinh tế chia sẻ nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững”.

Hiểu rộng ra về sự chỉ đạo này cho ta thấy, kinh tế chia sẻ không chỉ là sử dụng công nghệ 4.0 để tận dụng những tiềm năng nhàn rỗi một cách hiệu quả hơn những tài sản đang dư thừa một cách tương đối để tăng thêm doanh thu, lợi nhuận cho các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp và cho ngân sách nhà nước. Kinh tế chia sẻ còn nhằm thúc đẩy sản xuất và kích thích tiêu dùng một cách tiết kiệm, hiệu quả. Nhận thức đầy đủ về nền kinh tế chia sẻ từ người dân đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước để có những hành động thiết thực đem lại hiệu quả cho từng thành viên trong chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ ở thị trường nội địa Việt Nam là hết sức cần thiết. 

Vũ Vinh Phú, Chuyên gia thương mại
Tags:
Cùng chuyên mục