Kinh tế lao dốc, Nhật Bản - Hàn Quốc nỗ lực giải quyết xung đột thương mại

02/12/2019 15:55 GMT+7
Sau khi nguồn tin từ Seoul cho hay phái đoàn thương mại Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao vào tháng 12 trong nỗ lực dàn xếp căng thẳng kéo dài gần nửa năm nay, các nhà phân tích đã chỉ ra triển vọng tan băng trong quan hệ Nhật - Hàn.
Kinh tế lao dốc, Nhật Bản - Hàn Quốc nỗ lực giải quyết xung đột thương mại - Ảnh 1.

Xung đột thương mại Nhật Hàn có triển vọng giảm nhiệt

Waqas Adenwala, nhà phân tích châu Á làm việc tại The Economist Intelligence Unit mới đây nhận định căng thẳng Nhật Hàn đã giảm nhiệt so với nửa năm trước đây, khi Nhật Bản bất ngờ hạn chế xuất khẩu 3 loại hóa chất quan trọng, đồng thời gạch tên Hàn Quốc khỏi danh sách trắng các đối tác thương mại tin cậy. Theo ông Waqas, một trong những tín hiệu tích cực trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng là việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang lên kế hoạch gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề Hội nghị Thượng đỉnh 3 nước Trung - Hàn - Nhật tại Thành Đô, Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc hôm 29/11 cho hay Hàn Quốc đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao với Nhật Bản, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 12 để thảo luận về các vấn đề hạn chế xuất khẩu. Nhật Bản và Hàn Quốc đã bị cuốn vào cuộc tranh chấp thương mại từ hồi tháng 7/2019 bắt nguồn từ những xung đột hồi thế chiến II. Tuy nhiên theo ông Jesper Koll, cố vấn cao cấp của WisdomTree Investments, hai nước láng giềng đã sẵn sàng đặt lợi ích thương mại lên trên các bất đồng quan điểm lịch sử để đi tới một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. 

“Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc cuối cùng đã nhận ra rằng họ có trách nhiệm chứng minh với các quốc gia Châu Á khác rằng thương mại tự do là nền tảng tốt nhất để tạo nên sự thịnh vượng chung trên toàn cầu” - ông Jesper Koll nhận định.

Theo dữ liệu thống kê, Hàn Quốc hiện là đối tác lớn thứ 3 của Nhật Bản, với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa khoảng 54 tỷ USD mỗi năm; đóng vai trò quan trọng trong dây chuyền xuất khẩu ô tô, linh kiện máy móc công nghệ cao và hóa chất. Do đó, việc hạn chế xuất khẩu hàng loạt hóa chất quan trọng không chỉ khiến lĩnh vực sản xuất con chíp của Hàn Quốc lao đao mà còn làm tổn thương nặng nề chính công ty xuất khẩu Nhật Bản. Ở chiều ngược lại, việc phía Hàn Quốc cũng bị tổn thất nghiêm trọng do chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghệ có nguy cơ bị phá vỡ. 

Trong bối cảnh cả hai nền kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc đều lao đao do những bất ổn địa chính trị nội tại và tác động bên ngoài, thì một cuộc chiến tranh thương mại gay gắt chắc chắn sẽ tàn phá tăng trưởng cũng như triển vọng kinh tế. Theo báo cáo Reuters công bố hôm 2/12, hoạt động sản xuất của Nhật Bản vẫn trì trệ, thể hiện qua chỉ số quản lý thu mua PMI đạt 48,9, dưới ngưỡng trung lập 50. Lượng đơn đặt hàng mới thì giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng do kim ngạch xuất khẩu suy yếu nghiêm trọng, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. 

Jesper Koll nhận định việc tăng thuế tiêu thụ và xu hướng tụt dốc chung trong nhu cầu tiêu dùng của toàn cầu, đặc biệt là nhu cầu xe ô tô cũng là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế Nhật Bản đối diện rủi ro suy thoái. “Thuế tiêu dùng đã tăng từ 8% lên 10% vào ngày 1/10, một trong những lý do lý giải cho sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng tư nhân. Một cách tự nhiên, khi nhu cầu giảm, hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước cũng bị ảnh hưởng” - ông Waqas Adenwala đồng quan điểm với Jesper Koll. “Ngoài ra, tranh chấp thương mại Mỹ Trung đã tác động đáng kể đến sản xuất công nghiệp tại Nhật Bản và Hàn Quốc”. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục