Kinh tế toàn cầu có thể bị "đóng băng sâu" trong nhiều tháng vì Covid-19

30/03/2020 17:02 GMT+7
Một nhà phân tích nhận định sự bùng nổ đại dịch Covid-19 sẽ đẩy các nền kinh tế trên thế giới vào tình trạng “đóng băng sâu” do hàng loạt biện pháp phong tỏa kiểm dịch nghiêm ngặt chưa từng có.
Đại dịch Covid-19 có thể "đóng băng sâu" kinh tế toàn cầu trong nhiều tháng - Ảnh 1.

Một con phố ở London vắng tanh khi lệnh phong tỏa quốc gia được Thủ tướng Boris Johnson ban hành

Khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 lây lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 723.000 ca nhiễm bệnh và hơn 34.000 ca tử vong (tính đến sáng 30/3), hàng loạt các biện pháp kiểm dịch mạnh mẽ đã được chính phủ các nước đưa ra trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Nhiều quốc gia tuyên bố phong tỏa đất nước, đóng cửa biên giới và hạn chế giao thông, khiến cuộc sống hàng trăm triệu người bị đảo lộn, nhiều nền kinh tế gần như đóng băng và số người thất nghiệp tăng vọt.

 Matthew Oxenford, nhà phân tích người Anh tại Cơ quan tình báo kinh tế (EIU) nhận định: “Các nền kinh tế có thể rơi vào tình trạng đóng băng sâu từ 3-6 tháng khi các chính phủ tăng cường những nỗ lực kiểm dịch”. 

Tại Mỹ, ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới cho đến nay, Tổng thống Trump mới đây đã thừa nhận các khuyến cáo cách ly tại nhà, cấm tụ tập đông người tại nơi công cộng sẽ được giữ nguyên cho đến ít nhất ngày 30/4. Mỹ hiện báo cáo 143.000 ca nhiễm Covid-19, gần gấp đôi số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc - quốc gia đầu tiên xuất hiện bệnh nhân nhiễm virus corona. Trước đó, Tổng thống Trump từng kỳ vọng các khuyến cáo này có thể được dỡ bỏ vào giữa tháng 4, thời điểm Lễ Tạ ơn diễn ra. 

Khung cảnh đường phố yên tĩnh bất thường cũng được ghi nhận tại Châu Âu, nơi dịch Covid-19 đang càn quét nhiều quốc gia như Italy, Đức, Tây Ban Nha, Anh…. Thủ đô London cuối tuần qua gần như vắng lặng, không có tắc đường vào giờ cao điểm, ít người ra khỏi nhà sau lệnh phong tỏa quốc gia của Thủ tướng Boris Johnson hồi tuần trước. Anh đến nay đã ghi nhận gần 20.000 ca nhiễm Covid-19 và 1.228 ca tử vong. Trong đó, Thủ tướng Boris Johnson và Hoàng tử Charles đã được xác nhận dương tính với virus corona. 

Các nhà phân tích tại Berenberg cho rằng khủng hoảng đại dịch sẽ đưa tất cả các nền kinh tế lớn vào suy thoái trong năm nay. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự đoán sẽ chứng kiến mức tăng trưởng GDP giảm mạnh 3% trong năm 2020. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cũng bị hạ dự báo tăng trưởng từ 6,1% xuống 2,9% trong cả năm, mức thấp nhất từng thấy kể từ năm 1976 đến nay. Italy, ổ dịch Covid-19 lớn thứ 2 thế giới, đồng thời là một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng được dự báo tăng trưởng GDP giảm 7,5% trong năm 2020, theo Berenberg.

“Ít nhất trong khoảng thời gian tháng 3 đến tháng 5, dữ liệu kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến sự giảm tốc chưa có tiền lệ trong thời bình” - các nhà phân tích Berenberg nhận định trong một nghiên cứu công bố hôm 29/3.

Các chính phủ đang nỗ lực hành động để cứu vãn tình cảnh tồi tệ của nền kinh tế, dẫn đầu là động thái bất ngờ hạ lãi suất cơ bản về 0% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Hàng loạt ngân hàng Trung Ương trên thế giới như Australia, ECB, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Singapore, Thái Lan...và mới đây nhất là Trung Quốc cũng tham gia nới lỏng chính sách tiền tệ trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế. Đáng chú ý, Quốc hội Mỹ hồi tuần trước đã thông qua gói kích thích khổng lồ trị giá hơn 2.000 tỷ USD bao gồm các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trước tác động của đại dịch.

Không chắc những nỗ lực như vậy là đủ đưa nền kinh tế toàn cầu hồi sinh trở lại, khi hàng loạt quan chức y tế cấp cao trên thế giới mới đây dự đoán các biện pháp phong tỏa có thể kéo dài 3 tháng, thậm chí nửa năm. Phó Giám đốc Cơ quan Y tế cộng đồng Anh Jenny Harries hôm 30/3 đưa ra cảnh báo các biện pháp phong tỏa có thể kéo dài 6 tháng nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục