Kinh tế Trung Quốc khó phục hồi trong một sớm một chiều
Theo đó, do tình hình lây lan của đại dịch ở nhiều quốc gia, tình hình thương mại của Trung Quốc có thể sẽ còn đình trệ trong một khoảng thời gian nữa, khi nhu cầu tiêu thụ trong nước và nước ngoài đều giảm mạnh kéo theo tác động tiêu cực đến các công ty xuất khẩu nước này.
Cảnh báo này đến sau khi Chủ tịch nước Tập Cận Bình phát biểu cho biết kim ngạch thương mại và doanh nghiệp nhỏ phải là trọng tâm trong chính sách phục hồ, sau hai tháng nền kinh tế sụt giảm nghiêm trọng, xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Nhu cầu tiêu thụ nước ngoài với các sản phẩm vận chuyển đường biển dự kiến giảm mạnh, sau khi hàng loạt quốc gia đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Các công ty sản xuất xe hơi khắp Mỹ và Châu Âu đóng cửa nhà máy, nhân viên không thể tiếp tục dây chuyền sản xuất, đây cũng chính là tình huống Trung Quốc vừa trải qua khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước này.
Các công ty xe hơi Trung Quốc dự kiến giảm mạnh sản lượng do nhu cầu sụt giảm, trong khi kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc giảm 17,2% trong 2 tháng đầu năm. Con số này thậm chí có dấu hiệu đi xuống mức 30% trong 2 quý tiếp theo, dẫn tới 18 triệu người mất việc trong tổng số 60 triệu lao động ở các ngành công nghiệp xuất khẩu.
Nhu cầu thuê nhân công ở Trung Quốc cũng giảm 30% trong hai tháng đầu năm, nhất là ở các ngành liên quan đến văn hóa, truyền thông và giải trí. Sau khi kiểm soát được đại dịch, Trung Quốc bật đèn xanh vào đầu tháng Ba cho hơn 600 rạp chiếu phim, hàng ngàn địa điểm tham quan du dịch và nửa nhà hàng ở nước này hoạt động trở lại. Tuy nhiên, mới đây, hầu hết các địa điểm này buộc phải đóng cửa trở lại khi nguy cơ lây nhiễm mới vẫn còn cao, nhất là từ nguồn lây nhiễm nước ngoài.
Trước đó chính phủ Trung Quốc cũng tung ra gói cứu trợ hàng tỷ nhân dân tệ nhằm tăng mức chi tiêu tiêu dùng của người dân trong giai đoạn đại dịch bùng nổ. Chương trình này được áp dụng ở nhiều thành phố và dưới sự phân bổ của chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh kinh tế ảm đạm sau dịch bệnh.
Chi tiêu tiêu dùng ở Trung Quốc bị giáng đòn mạnh do ảnh hưởng đại dịch và lệnh phong tỏa nhiều tỉnh thành, ảnh hưởng mạnh mẽ đến doanh số bán lẻ trong nước. Doanh số bán lẻ - hiện đóng góp nhiều nhất trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 6 năm liền - đã giảm 20,5% trong hai tháng đầu năm sau khi hàng loạt cửa hàng và nhà máy đóng cửa cũng như gián đoạn dây chuyền vận chuyển và cung ứng.
Nam Kinh, thủ phủ phía Đông Trung Quốc, mới đây tuyên bố hỗ trợ gói vay tiêu dùng 45 triệu USD cho các doanh nghiệp và người lao động có thu nhập thấp. Ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, chính quyền địa phương cũng công bố gói hỗ trợ 2,8 triệu USD. Chiết Giang, tỉnh công nghiệp lớn thứ 4 Trung Quốc công bố mức hỗ trợ 142 triệu USD. Tuy nhiên chuyên gia lo ngại những gói hỗ trợ này không đủ để tạo nên động lực nào khác biệt với mục tiêu tiêu dùng nói chung, do người dân vẫn hạn chế mua sắm những sản phẩm trong diện trợ giá như xe hơi, linh kiện…. Thậm chí, gói hỗ trợ lớn có thể dẫn đến lạm phát tăng phi mã và gánh nặng nợ tăng vọt.
Một vấn đề nghiêm trọng khác là Trung Quốc cũng phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao. Theo khảo sát gần đây, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc tăng 6,2% từ 5,2% vào tháng 11/2019, mức cao nhất trong nhiều năm qua. Số liệu này không bao gồm cả lao động nhập cư, đồng nghĩa với việc con số lao động mất việc thực tế có thể còn lớn hơn.
Với tình hình kinh tế căng thẳng hiện nay, Bắc Kinh trông đợi mục tiêu tiêu thụ sẽ giúp vực dậy nền kinh tế, nhưng khảo sát cho thấy người tiêu dùng còn ngần ngại việc mua sắm ở thời điểm hiện nay. Chỉ số tự tin tiêu dùng ở mức 96,57 vào tháng 2, giảm 6,5 điểm so với quý cuối cùng năm 2019, và giảm 7,6 điểm so với cùng kì năm ngoái. Một trong những yếu tố tác động vào sự sụt giảm này là lo ngại về vấn đề thất nghiệp và bình ổn giá bán lẻ.