Kỳ 2- Nhà phân phối nói gì về loạn giá bếp từ Munchen?
Bếp từ Munchen là của tập đoàn lớn ở Đức?
Các sản phẩm của Munchen được công ty này giới thiệu như sau: “Munchen Group được xếp hạng trong số các nhà sản xuất châu u hàng đầu của thiết bị gia dụng, một lịch sử hơn sáu mươi năm. Công nghệ của chúng tôi hoàn thiện, kiêu ngạo về thiết kế và hiệu quả về tiết kiệm năng lượng, các thiết bị gia đình được bán dưới thương hiệu của: Bauknecht, Munchen được cải thiện chất lượng sống cho người sử dụng sản phẩm của chúng tôi trong bảy mươi quốc gia trên toàn thế giới. Phần lớn các sản phẩm của chúng tôi được bán tại thị trường châu Âu chiếm 98% - Thiết bị gia dụng chủ yếu là Đức, Áo, Nga...và thị trường châu Á như Hong Kong, Đài Loan, Malaysia, Việt Nam…”
Mặc dù cho rằng các sản phẩm gia dụng là của tập đoàn lớn ở Đức và bán tại thị trường châu Âu chiếm 98%, tuy nhiên PV đã tìm kiếm trên rất nhiều nguồn chỉ xuất hiện duy nhất một kết quả là Tập đoàn Tele Munchen. Thế nhưng đây là một công ty truyền thông rất nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất phim ở Đức, hoàn toàn không liên quan đến các thiết bị gia dụng.
Một số kết quả cho ra bếp từ Munchen thì tất cả các đường dẫn này đều có địa chỉ, showroom ở Việt Nam, hoàn toàn không có thông tin nào thể hiện nhãn hàng này là thương hiệu Đức hay chủ sở hữu của một doanh nghiệp tại châu Âu.
Đặc biệt, khi tiến hành kiểm tra mã vạch trên một số sản phẩm, phần mềm quét mã vạch và các website kiểm tra đều thông báo không tìm được.
Giải thích về điều này, nhân viên tại cửa hàng trên đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Mã vạch của các hãng lớn thường sẽ tìm không ra, tuy nhiên có thể kiểm tra bằng cách quét mã QR”.
Đoạn nhân viên này đã thử thao tác cho PV xem bằng cách quét mã QR. Tuy nhiên, sản phẩm nhập khẩu từ Đức, nhưng thông tin từ mã quét mã QR hiện ra lại được bằng tiếng Việt?!
Khi bày tỏ muốn tìm hiểu về giấy CO (giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm) và giấy CQ (giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm), nhân viên tại showroom trên đường Láng đã đưa cho phóng viên xem một tờ giấy photo nói là CO nhập hàng năm 2019. Còn với giấy CQ là “bí mật kinh doanh” không thể đưa ra.
Công ty CP JD Việt Nam nói gì?
Trước những thông tin mập mờ về nguồn gốc, giá cả của thương hiệu này, PV đã liên hệ tới Công ty cổ phần JD Việt Nam - đơn vị phân phối bếp từ nhãn hiệu Munchen để tìm hiểu. Tuy nhiên, những câu trả lời của vị đại diện công ty này khiến PV không khỏi hoang mang.
Trao đổi với PV, ông Toàn Mỹ (đại diện Công ty cổ phần JD Việt Nam) cho biết, công ty phân phối các sản phẩm gia dụng mang thương hiệu Munchen từ nhiều năm trước. Hiện Công ty có nhiều đại lý, chi nhánh khắp ở nước nhưng không rõ số lượng là bao nhiêu.
Khi được hỏi về nguồn gốc của bếp từ Munchen, ông Mỹ cho hay: “Bên anh đại diện cho hãng Munchen có chi nhánh ở Singapore, bếp từ thì nhập ở nhiều nơi như Singapore, Tây Ban Nha, Ý, Đức. Nhập nguyên chiếc của Đức cũng có nhưng không nhiều”.
Giải thích về việc mỗi nơi bán một giá khác nhau, thậm chí chênh nhau cả chục triệu đồng, ông Mỹ cho rằng “có thể họ bán hàng giả, không phải của hãng Munchen”.
Về một số mã hàng của các đại lý ở Đường Láng, Hoàng Quốc Việt, Hà Đông không kiểm tra được mã vạch, thì ông Mỹ bất ngờ cho biết, hiện công ty không hợp tác với các đại lý này.
“Nội thất Kường Thịnh, bếp 68, bếp An Thịnh… từng là đại lý của chúng tôi cách đây nhiều năm. Ví dụ như Kường Thịnh ở đường Láng là đại lý của chúng tôi cách đây 7 năm, còn bây giờ thì không biết nữa?! Hiện họ có bán Munchen chính hãng hay hàng giả hay không thì tôi không rõ”, ông Mỹ nói.
Mặc dù khẳng định các showroom này không còn hợp tác, thế nhưng trên website của công ty này lại đưa ra cảnh báo, khách hàng chỉ nên mua hàng ở các đại lý được ủy quyền. Và trong danh sách hàng chục đại lý này, có các cửa hàng, showroom mà ông Mỹ nói đã không còn hợp tác từ nhiều năm trước.
Điều đáng bàn ở chỗ, nếu không còn là đại lý chính thức, vậy giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mà các cửa hàng, đại lý này đưa ra có phải là thật? Đặc biệt, các cửa hàng này không phải là đại lý chính thức của Công ty CP JD Việt Nam thì sản phẩm này có xuất xứ ở đâu? Tại sao họ khẳng định sản phẩm được nhập lại của Công ty JD?
Trả lời câu hỏi, vậy khách hàng muốn mua bếp từ Munchen chính hãng ở Hà Nội thì nên đến địa chỉ nào, người đàn ông này lại nói vòng quanh: “Giờ họ làm giả hàng bên tôi quá nhiều, nhan nhản khắp nơi. Chúng tôi hiện chủ yếu làm đại lý ở các tỉnh, ở Hà Nội cũng rất ít, có khi sắp tới chúng tôi sẽ bỏ, không phân phối nhãn hiệu này”?!
Như vậy, theo lời ông Mỹ, đại lý phân phối bếp từ Munchen ở Hà Nội rất ít, tuy nhiên, theo phóng viên tìm hiểu có đến hàng chục cửa hàng tại Hà Nội phân phối, quảng cáo bếp từ Munchen rất rầm rộ.
Sự nhập nhèm, bất nhất này khiến người tiêu dùng không khỏi nghi ngờ và hoang mang. Vậy nguồn gốc thật sự của bếp từ Munchen có giá hàng chục triệu đồng này có xuất xứ từ đâu? Tại sao các nơi lại có giá khác nhau như vậy? Ai sẽ người bảo vệ người tiêu dùng khi họ bỏ ra một số tiền lớn nhưng không rõ nguồn gốc, không rõ chất lượng?
Để trả lời những câu hỏi này, PV đã liên hệ tới các cơ quan chức năng và sẽ thông tin đến bạn đọc ở bài sau...
Hơn 90% bếp từ nhập khẩu từ Trung Quốc
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2018 cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam khai báo đã nhập hơn 2 triệu bếp từ, điện từ (không bao gồm linh kiện, phụ tùng) với tổng giá trị hơn 65 triệu USD.
Trong đó, các sản phẩm đến từ Châu Âu lại có tỷ lệ nhập khẩu rất ít. Cụ thể: Nhập từ Tây Ban Nha 44 nghìn sản phẩm, chiếm 2%; nhập từ Đức 15 nghìn sản phẩm, chiếm 0,7%; các thị trường khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan cũng chỉ từ 0,2 – 1%...
Đáng chú ý, 91,5% số bếp từ, điện từ này có nguồn gốc từ Trung Quốc (tức gần 2 triệu bếp từ, điện từ).