Làm giàu từ mô hình vườn - ao - chuồng giữa lòng thành phố

23/02/2020 05:31 GMT+7
Đến xã An Khang, TP. Tuyên Quang, hỏi nhà chị Hương có trang trại gà, ai cũng biết. Bởi hoàn cảnh của chị và nghị lực thoát nghèo phi thường của người phụ nữ vừa ngoài 30...

Đến thăm gia đình vào một ngày cuối tháng 2, khó khăn lắm tôi mới gặp được chị.

Kể về lần bén duyên với nghề chăn nuôi, chị Nguyễn Thị Hương – xã An Khang – TP. Tuyên Quang chia sẻ: "Trước kia chị có làm nghề gạch, nhưng thị trường chững lại, hàng tồn nhiều không tiêu thụ được. Cả tiền công thợ và tiền vốn bỏ ra ngót nghét 100 triệu, lúc ấy chị rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Làm giàu từ mô hình vườn - ao - chuồng giữa lòng thành phố - Ảnh 1.

Hàng chục vạn viên gạch không tiêu thụ được, xếp cao gần bằng 1 ngôi nhà. Ảnh: Mai Trang

Chính lúc ấy chị nghĩ rằng "phi thương bất phú", phải kinh doanh gì đó mới mong thoát nghèo. Chị nghĩ ngay đến chăn nuôi, và đã quyết định nuôi gà. Thời điểm đó nhiều người chọn nuôi gà công nghiệp để dễ nuôi, cho nhiều trứng, nhưng chị không thích giống đó, chị chọn giống gà Ai Cập. Lúc đầu chỉ có vài chục con, sau dần được người ta ủng hộ, chị mở rộng trang trại, đến nay đã có 4-500 con gà cả trống cả mái." Trước Tết nguyên đán thì số lượng đàn gà lên tới gần nghìn con, sau Tết thì chị nuôi ít, vừa để kiểm soát, vừa hạn chế dịch bệnh.

Làm giàu từ mô hình vườn - ao - chuồng giữa lòng thành phố - Ảnh 2.

Hàng trăm con gà Ai Cập được chị Hương chăm sóc cẩn thận, nhốt trong nhà kín và hạn chế người lạ ra vào. Ảnh: Mai Trang

Làm giàu từ mô hình vườn - ao - chuồng giữa lòng thành phố - Ảnh 3.

Đàn gà lớn khỏe mạnh với 1 ngày đủ 3 bữa, thức ăn đa dạng, đủ dinh dưỡng. Ảnh: Mai Trang

Giữa thời điểm dịch H5N1 bùng phát tại nhiều địa phương, trang trại gà của chị Hương vẫn luôn trong trạng thái "cháy hàng" mà không hề mất giá bởi giống gà chị chọn thịt dai, chắc như gà ta, lại cho chất lượng trứng tốt. Giá bán trung bình 80.000 – 90.000 đồng/kg chứ không có chuyện rẻ hơn. 4 tháng thì được thu hoạch trứng một lần, mỗi lần cũng 4-500 trăm quả, giá bán buôn trứng cũng từ 300 – 500 đồng/quả. Tổng thu nhập một tháng sau khi trừ các chi phí cũng rơi vào khoảng gần chục triệu đồng.

Làm giàu từ mô hình vườn - ao - chuồng giữa lòng thành phố - Ảnh 4.

Trứng gà Ai Cập quả to, đều và luôn được khách đặt trước hàng. Ảnh: Mai Trang

Làm giàu từ mô hình vườn - ao - chuồng giữa lòng thành phố - Ảnh 5.

Mỗi ngày chị Hương đi nhặt trứng 2 lần, mỗi lần 2-300 quả. Ảnh: Mai Trang

Chị thường xuyên rắc vôi bột và khử trùng quanh trang trại để bảo về đàn gà khỏi dịch bệnh, nhờ thế mà trong suốt 2 năm, đàn gà chưa mắc một dịch bệnh nào.

Mô hình vườn – ao – chuồng giữa lòng thành phố

Ở thành phố nhưng chị lại ở xa khu dân cư, chọn nơi có nguồn nước dồi dào, diện tích đất bỏ trống nhiều. Chị Hương tâm sự: "Ở đây đất nhiều nhưng đa số người ta bỏ hoang bởi khó canh tác. Mùa nắng thì nứt nẻ, khô khốc, lúc mưa thì nhão chảy, không thể trồng trọt. Chị quyết định cải tạo đất bằng cách mua đất phù sa đổ vào để trồng chuối, trồng ngô. Diện tích trồng chuối tây cũng lên tới 2ha, một năm thu hoạch được 1 vụ, những nải đẹp chị tranh thủ mang ra chợ bán, còn thân chuối già chị lại cắt cho gà và cá ăn.

Làm giàu từ mô hình vườn - ao - chuồng giữa lòng thành phố - Ảnh 6.

Gần 2 héc-ta đất được chị tận dụng để trồng chuối tây. Ảnh: Mai Trang

Bên cạnh vườn chuối là một cái ao nhỏ, nơi chị đã thả 20 triệu tiền cá giống và đang chờ thu hoạch.

Làm giàu từ mô hình vườn - ao - chuồng giữa lòng thành phố - Ảnh 7.

Ao được chị Hương thả 20 triệu tiền cá giống, đang chờ thu hoạch. Ảnh: Mai Trang

Chị bộc bạch: "Mình không làm ăn lớn như người ta, thị trường nhiều lúc cũng bấp bênh nhưng được cái đầu ra ổn định, giá cả ít bị biến động nên cuộc sống cũng đầy đủ. Gom góp tiết kiệm cũng sửa sang được nhà cửa, con cái đi học đầy đủ. Còn sức khỏe thì chị còn làm, rảnh thì trồng ngô, khoai, trồng thêm chanh vào vườn chuối. Ở đây cũng không đông, nhiều lúc cũng buồn nhưng mình đã chọn chăn nuôi thì ở đây điều kiện tốt, ít người nên cũng tránh được dịch bệnh."



Mai Trang
Cùng chuyên mục